Ghé vai hỗ trợ trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thấy học trò cơm chưa ấm bụng, áo mặc phong phanh, sách vở thiếu thốn, nhiều giáo viên đã kêu gọi Mạnh Thường Quân san sẻ tình thương. Nghĩa cử nhân văn ấy của những người thầy đã tiếp thêm động lực để học sinh yên tâm đến trường theo đuổi con chữ.
Dấu vết mùa mưa còn hiện rõ trên đoạn đường đất nối xã Kon Thụp với xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) khiến hành trình đến trường của thầy Tạ Văn Định-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng thêm khó. Chiếc xe ô tô 5 chỗ chở 2 tạ quần áo khó nhọc vượt qua chặng đường lởm chởm đá. Không ít lần bánh xe vấp hòn đá to, xóc nẩy, vài bao tải đựng áo quần ở hàng ghế sau bất ngờ đổ về ghế phía trước, thầy Định lại phải dừng xe để sắp xếp lại. Gạt ngang dòng mồ hôi trên trán, thầy Định bộc bạch: “Hôm nay, mình đi ô tô để chở thêm 2 tạ quần áo xin được từ các nhà hảo tâm trong huyện cho học sinh. Biết trường đóng ở nơi xa, khó khăn nhất huyện mà toàn học sinh dân tộc Bahnar nên họ hỗ trợ ngay. Năm ngoái, mình xin được 2 đợt với mấy trăm bộ áo quần cũ lẫn mới. Năm nay, mình cũng xin được khoảng 4 tạ. Nghĩ đến cảnh học sinh mặc áo quần phong phanh đến trường, mình không cầm lòng được nên gắng làm. Vui nhất là được chứng kiến các em hớn hở đến trường trong những bộ đồ tươm tất”.
Thầy giáo Tạ Văn Định-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng (huyện Mang Yang) trao tặng quần áo cho học sinh. Ảnh: Hoành Sơn
Thầy giáo Tạ Văn Định-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng (huyện Mang Yang) trao tặng quần áo cho học sinh. Ảnh: Hoành Sơn
Ia Pếch là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Ia Grai với gần 100% dân số là người dân tộc thiểu số. Vì thế, hầu hết học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để các em được đến trường học hành với điều kiện tốt nhất, nhiều năm nay, Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Yến đã tìm cách kết nối với những người có tấm lòng thơm thảo để vận động tài trợ. Nhờ vậy, hàng ngàn phần quà gồm sách vở, thước kẻ, xe đạp, gạo, mì tôm, bánh kẹo được trao tận tay học sinh trong trường. Riêng năm học 2021-2022, cô Hương vận động trao tặng 5 chiếc xe đạp và 20 chiếc cặp sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Người dân xã này còn nghèo lắm. Học sinh rất cần sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm. Vì thế, vào dịp hè, tôi đi gặp chủ cơ sở kinh doanh ở TP. Pleiku và bạn bè công tác tại một số sở, ngành của tỉnh kêu gọi tài trợ đồ dùng học tập, áo quần cho học sinh. Có nhiều địa chỉ rất thường xuyên ủng hộ trường. Sự hỗ trợ này đã giúp duy trì sĩ số học sinh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”-cô Yến tâm sự.
Thầy giáo Trần Đăng Khoa kêu gọi hàng trăm triệu đồng ủng hộ cho học sinh ở huyện nghèo Ia Pa. Ảnh: Hoành Sơn
Thầy giáo Trần Đăng Khoa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái, xã Ia Tul kêu gọi hàng trăm triệu đồng ủng hộ cho học sinh ở huyện nghèo Ia Pa. Ảnh: Hoành Sơn
Nói về những giáo viên ghé vai gánh bớt khó khăn với học sinh, nhất là học sinh nghèo trong tỉnh, không nhắc đến thầy Trần Đăng Khoa-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) là một thiếu sót lớn. Trong 2 năm (2020-2021), bằng kinh phí của cá nhân và huy động bạn bè, người thân, thầy Khoa đã kêu gọi ủng hộ hàng trăm triệu đồng để làm bếp ăn, tặng quà cho không chỉ học sinh Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái mà còn 14 trường khác của huyện Ia Pa. Nếu năm 2020, kêu gọi tài trợ gần 260 triệu đồng và 86 bộ sách giáo khoa lớp 1 thì năm 2021, thầy Khoa vận động tặng hơn 17.000 khẩu trang và hàng trăm chai cồn xịt khuẩn phòng ngừa Covid-19. “Với tâm niệm làm thiện nguyện không ở đâu xa mà chính ở trên quê hương mình, tôi tự bỏ tiền riêng và vận động bạn bè trong cả nước tài trợ vật chất cho học sinh trong huyện. May mắn là bạn bè hiểu, quý cái tâm vì học sinh của mình nên khi kêu gọi là họ ủng hộ ngay. Bản thân tôi cũng thấy vui xen lẫn tự hào khi đã góp công sức để nâng cao chất lượng giáo dục, chung sức xây dựng quê hương tốt đẹp hơn”-thầy Khoa chia sẻ.
Còn rất nhiều giáo viên ở các trường học trong tỉnh có tấm lòng thơm thảo luôn hướng về học sinh mà trong khuôn khổ bài báo, người viết không thể liệt kê đầy đủ. Bằng nhiều cách khác nhau, họ lặng lẽ kết nối để Mạnh Thường Quân ủng hộ vật chất cho các trường học ở Gia Lai.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

Thêm một bếp ăn thiện nguyện ấm lòng người nghèo Gia Lai

(GLO)- Khai trương ngày 24-4 vừa qua, Bếp ăn thiện nguyện 2K Thị Huy (38 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đối diện cổng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo, nhất là bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại các bệnh viện.
Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.