(GLO)- Câu chuyện được mong đợi nhất trong tuần này là hoạt động của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV. Lần đầu tiên, thể thức “hỏi nhanh đáp gọn”, “hỏi 1 phút trả lời 3 phút” được áp dụng đã mang lại không khí tranh luận sôi nổi hơn, dân chủ hơn cho nghị trường. Cử tri cũng kỳ vọng nhiều hơn khi những vấn đề đại biểu chất vấn được các vị “tư lệnh ngành” trả lời thấu đáo và cam kết thực hiện.
Theo đó, người chất vấn chỉ có 1 phút để hỏi chứ không phải 2 phút như trước đây. Người trả lời chất vấn sẽ trả lời sau khi có 3 đại biểu chất vấn, thay vì 5 đại biểu với nhiều câu hỏi được “nhồi nhét” bên trong làm khó người trả lời.
Ảnh internet |
Thể thức “hỏi nhanh đáp gọn” không cho phép các Bộ trưởng trình bày báo cáo thành tích hay dẫn hết văn bản này đến văn bản khác. Đồng thời, tạo ra sự tương tác nhiều hơn, đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời, nâng cao trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu hỏi ngắn gọn, không trùng ý, Bộ trưởng trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, không mất nhiều thời giờ để ghi chép câu hỏi, mà trả lời cũng không sót câu hỏi của đại biểu.
Cũng có người băn khoăn, liệu 3 phút có đủ để trả lời trọn vẹn những vấn đề phức tạp; liệu có vì ít thời gian mà các Bộ trưởng trả lời qua loa, chiếu lệ. Nhưng qua 2 ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, cử tri cả nước đã phần nào thấy được hiệu quả của việc “ hỏi 1 trả lời 3”. Tuy mới gần 2 tuần nhưng kỳ họp thứ năm đã có không ít cuộc tranh luận dậy sóng nghị trường, được dư luận quan tâm.
4 thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời ở phiên chất vấn kỳ họp này lần lượt là Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Những vấn đề mà các Bộ trưởng được chất vấn và chờ câu trả lời đều là những vấn đề bức xúc kéo dài lâu nay như: giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; khiếu kiện đất đai, giải quyết việc làm, thực trạng hoạt động dạy nghề, cải cách giáo dục… Bên cạnh đó là những vấn đề mới nổi lên nhưng là tâm điểm dư luận như: các dự án BOT giao thông; chuyện quản lý đất đai ở các thành phố lớn; ô nhiễm môi trường; biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long; nạn bạo hành, xâm hại trẻ em; những chủ trương cải tiến còn nhiều tranh cãi của ngành Giáo dục và Đào tạo; tình trạng bạo lực học đường…
4 nhóm vấn đề này được Quốc hội lựa chọn chất vấn là kết quả của việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội khi có đến 93,23% đại biểu lựa chọn lĩnh vực giao thông-vận tải; 89,22% đại biểu lựa chọn lĩnh vực tài nguyên và môi trường; 85,84% đại biểu lựa chọn lĩnh vực giáo dục và đào tạo; 68,29% đại biểu lựa chọn lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, đề nghị đưa ra chất vấn tại Quốc hội.
Thời gian ít, nhưng lại nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, của đất nước, mang theo bao tâm tư tình cảm, gửi gắm kỳ vọng của cử tri. Vì vậy chọn cái gì để hỏi và hỏi như thế nào cho hiệu quả đòi hỏi người chất vấn phải nắm vấn đề thật chắc, có thế mới hỏi trúng trọng tâm, hỏi bằng tất cả sự hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Người trả lời cũng phải nắm được vấn đề lĩnh vực mà mình phụ trách. Phải dám nhìn thẳng vào những ưu-khuyết điểm của ngành mình, không vòng vo né tránh; đồng thời, phải đề ra được những giải pháp căn cơ giải quyết rốt ráo vấn đề mà dư luận và cử tri quan tâm, tránh gây bức xúc cho cử tri.
Có thể nói, những gì thể hiện tại diễn đàn Quốc hội mấy ngày qua cho cử tri thấy được tinh thần “hỏi nhanh đáp gọn”, “hỏi 1 trả lời 3” đã mang lại không khí tranh luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội. Đại biểu đã thể hiện trách nhiệm đại diện cho tiếng nói của dân khi yêu cầu người có trách nhiệm trả lời đúng những vấn đề mà người dân quan tâm. Người trả lời chất vấn cũng thể hiện cái tâm, cái tầm của vị “tư lệnh ngành” trước đòi hỏi của người dân khi trả lời trúng những điều người chất vấn đặt ra; tranh luận công khai, dân chủ để đi đến cùng những giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri đã gửi gắm thông qua các đại biểu Quốc hội.
Nguyễn Vân