Làng... trâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) không khó để bắt gặp hình ảnh đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ trên những bãi đất trống hoặc trong vườn cao su tít tắp. Bởi từ lâu, người dân ở các ngôi làng dọc biên này đã có truyền thống nuôi trâu.
“Của để dành”
Trước đây, người Jrai ở xã biên giới Ia Chía quan niệm con trâu là vật dùng để hiến tế thần linh trong các lễ hội của làng hoặc trong những dịp trọng đại của gia đình, dòng họ. Hầu hết người dân đều tin rằng, trong gia đình, nếu chẳng may có người đau bệnh hoặc gặp tai ương, chỉ cần dùng con trâu đực làm vật hiến tế thần linh thì mọi xui rủi sẽ qua. Vậy nên, mỗi gia đình dù giàu hay nghèo đều sở hữu cho được 1 con trâu và có lúc đàn trâu trên địa bàn xã lên đến gần 1.000 con.
Ông Puih Ngic (làng Beng) kể: “Ngày trước, ông nội mình phải đổi rất nhiều lúa mới có được 1 con trâu sừng chỉ bằng 1 gang tay. Lúa không tính bằng gùi, bằng bao mà tính bằng sải tay (từ khuỷu đến ngón tay) và 1 con trâu phải đổi mất 5 sải lúa, mỗi sải như vậy lúa đổ cao ngang cổ người”.
Để sở hữu 1 con nghé, bà Ksor Hra (làng Pó) phải đổi 1 con bò đực to kèm theo 5 gùi lúa. Gia đình bà đang sở hữu đàn trâu nhiều nhất làng Pó với 11 con. Chỉ tay về con trâu có 2 chiếc sừng cong và dài nhất đàn, bà Hra bộc bạch: “Nó ở với mình hơn 15 năm rồi, nay đã già, đi chậm, da nhăn nheo hết. Lúc trước cũng có vài người đến hỏi mua nhưng mình không bán, vì nó là con trâu cả chỉ dùng để cúng Yàng thôi”.
Đàn trâu của gia đình bà Ksor Hra (làng Pó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Dung
Đàn trâu của gia đình bà Ksor Hra (làng Pó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Dung
Không chỉ là con vật để cúng tế thần linh, trâu còn được người dân bản địa coi như tài sản quý dùng để trao đổi với những thứ có giá trị khác như: ruộng đất, chiêng, ghè. Con trâu còn được xem như “sính lễ” để nhà gái “bắt chồng” cho con và là “của hồi môn” cha mẹ chia cho con cái khi chúng ra ở riêng...
Những năm sau này, trước sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, nhiều tập tục lạc hậu, nghi lễ rườm rà, tốn kém được bà con xóa bỏ. Vì vậy, phong trào nuôi trâu cũng không còn duy trì như trước. Tuy nhiên, nghi thức cúng con trâu cả hay còn gọi là trâu đầu đàn và trâu trắng vẫn được các gia đình gìn giữ.
Ông Ksor Thế-Trưởng thôn Beng-thông tin: “Nếu muốn bán con trâu đầu đàn thì phải làm lễ cúng xin Yàng. Gia đình nào nuôi trâu trắng, chẳng may để trâu chết hoặc mất trộm cũng phải làm lễ tạ tội và tìm mua 1 con trâu trắng khác thay thế nếu không muốn bị Yàng trách phạt”.
Cũng theo ông Thế, nếu như trước đây, con trâu cả sau khi cúng Yàng sẽ xẻ thịt mời người làng cùng đến chung vui, rồi chia cho từng người mang về thì nay tập tục này đã thay đổi. Sau khi cúng, gia đình chỉ cần giữ lại 1 phần thịt trâu để mời làng, số thịt còn lại có thể đem bán lấy tiền.
Thay đổi nếp nghĩ trong chăn nuôi    
...8 giờ sáng, ông Kpuih Pốc (làng Beng) lùa đàn trâu ra khỏi chuồng để bắt đầu hành trình chăn thả. Ông chia sẻ: “Mình già rồi cũng chỉ chăn được đàn trâu thôi, vì con trâu nó hiền chứ không phá như con dê, cũng không nghịch như con bò. Mùa này cỏ nhiều nên trâu lúc nào cũng no căng”.
Gia đình ông Pốc cũng là một trong số ít hộ dân từ nhiều năm trước đã biết dùng sức trâu để cày đất, phục vụ sản xuất. Ông Pốc nói: “Con trai mình làm công nhân khai thác mủ cao su rồi học theo người Kinh cho trâu đi cày ruộng. Nhờ có sức trâu, 5 sào ruộng trước mình tốn nhiều công mới cuốc xong bây giờ trâu cày thoắt một cái đã xong”.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ loại gia súc này mang lại, gia đình ông cũng đã đầu tư chuồng nuôi kiên cố, rộng rãi, thoáng mát. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đàn trâu của gia đình ông được xem là đẹp nhất làng, cả 8 con đều to, khỏe, mập mạp. Năm rồi, ông bán bớt 2 con trâu đực được 50 triệu đồng để sửa sang lại nhà cửa.
Ông Kpuih Pốc (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) lùa đàn trâu ra khỏi chuồng để bắt đầu hành trình chăn thả. Ảnh: Phương Dung
Ông Kpuih Pốc (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) lùa đàn trâu ra khỏi chuồng để bắt đầu hành trình chăn thả. Ảnh: Phương Dung
Còn ông Ngic thì cho hay, nuôi trâu ít rủi ro hơn nuôi các con vật khác, thức ăn lại dễ tìm. Hơn thế, nuôi trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân 1 con trâu cái 3 năm sẽ đẻ 2 con nghé và chỉ cần chăm sóc thêm thời gian có thể bán với giá 15-20 triệu đồng/con. Ông chia sẻ: “Thời gian gần đây, cũng có vài người từ các tỉnh phía Bắc tìm mua những con trâu đực to, chân chắc, sừng cong, nhọn. Có con họ mua với giá 40 triệu đồng để về làm trâu chọi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Lan Thích-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chía-cho biết: “Số lượng gia súc nói chung, đàn trâu nói riêng trên địa bàn khá lớn. Hàng năm, UBND xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, cán bộ thú y xuống từng làng để hướng dẫn người dân cách làm chuồng nuôi nhốt, cách chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc. Đồng thời, vận động người dân tận dụng những diện tích đất trống để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn gia súc”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.