Người trồng quất Tứ Liên "đỏ mắt" chờ thương lái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cận kề Tết Nguyên đán 2022, người dân làng quất Tứ Liên (Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật chăm sóc, tạo dáng cho cây để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn tại đây tỏ ra lo lắng cho đầu ra do lượng đặt mua thấp. Chưa kể, thời tiết bất lợi đang khiến quất đồng loạt chín sớm.
Sức mua kém hẳn mọi năm
Theo ghi nhận của PV, mặc dù Tết Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhưng thời điểm này tại làng quất Tứ Liên không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp vận chuyển quất đi khắp tỉnh thành như mọi năm.
Theo người trồng quất tại đây, hiện các thương lái đặt mua rất ít, có vườn mới chỉ bán được khoảng 20 - 30%, có vườn thì chưa bán được cây nào. Những ngày này, người dân phải thường xuyên túc trực để vừa chăm bón cây vừa mong mỏi thương lái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chủ vườn còn làm những công đoạn của lao động thời vụ để tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Các vườn trồng cây quất cảnh ở Tứ Liên thưa thớt người hỏi mua. Ảnh: N.T
Các vườn trồng cây quất cảnh ở Tứ Liên thưa thớt người hỏi mua. Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Văn Cường - một chủ nhà vườn trồng quất lâu năm ở Tứ Liên cho hay, khoảng giữa tháng 8, đầu tháng 9 là thời gian “vàng” để chăm cây nhưng lại đúng vào đợt giãn cách xã hội nên việc chăm bón cũng bị ảnh hưởng.
“Do thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm không phải là mặt hàng thiết yếu nên đợt giãn cách vừa rồi rất khó để mua, thậm chí nếu mua được thì giá cũng tăng cao. Tính ra chi phí chăm cây chiếm đến 70% nhưng giá bán lại không thể tăng" - ông Cường nói.
Cũng theo chủ vườn này, hiện quất thế với các dáng như thác đổ, dáng trực, long giáng, phụng chầu... có giá từ 3 – 5 triệu đồng/cây; dòng quất bonsai nhỏ có giá từ 0,7 - 1 triệu đồng/cây; một số cây bonsai dáng độc lạ có giá từ 4 - 6 triệu đồng/cây, nhiều loại khác sẽ có giá trên chục triệu.

Các nhà vườn đang tất bật bắt tay vào gò thế, tạo dáng “làm đẹp” cho cây để cung cấp ra thị trường. Ảnh: N.T.
Các nhà vườn đang tất bật bắt tay vào gò thế, tạo dáng “làm đẹp” cho cây để cung cấp ra thị trường. Ảnh: N.T
Cùng chung nỗi lo, ông Lê Văn Hồng (chủ vườn quất Lê – Hồng) cho biết gia đình ông đã chủ động giảm số lượng cây trồng xuống nhưng vẫn cảm thấy lo lắng.
“Mọi năm, tháng 11 thương lái đã đến "đánh" hàng do lo lắng đến muộn sẽ không chọn được cây đẹp. Còn khách cá nhân thì chỉ đến đầu tháng 12 là đã tấp nập tới đây tham quan, mua sắm, có khi chưa đến Tết đã hết hàng. Vậy mà năm nay, cả vườn quất tôi chỉ dám ươm 500 gốc mà hiện mới có 100 chậu được khách đặt để chơi xuân” - ông Lê Văn Hồng nói.
Không chỉ canh cánh nỗi lo đầu ra, một yếu tố khác là thời tiết khá bất lợi cũng khiến các nhà vườn phải dày công chăm sóc hơn, nếu không cây sẽ xấu và rất khó bán.

Quất cảnh tại các nhà vườn đang ngả màu vàng chín. Ảnh: N.T
Quất cảnh tại các nhà vườn đang ngả màu vàng chín. Ảnh: N.T
Với 10 năm kinh nghiệm trồng quất, ​​​​​anh Trần Văn Thảo (Tứ Liên, Tây Hồ) chia sẻ: “Mặc dù 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng nhiều chậu quất đang chín vàng có nguy cơ cao phải đổ bỏ. Giờ chỉ mong bán hết số quất trong vườn, lấy lại vốn để còn đầu tư vụ sau. Chỉ mong thời tiết tiếp tục se lạnh như hiện tại thì đến Tết cây sẽ không bị chín quá đà, có đủ quả vàng, nụ và hoa”.
Nhà vườn thấp thỏm
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, ngoài những dòng quất cảnh phổ biến như: quất lọ, quất bonsai hay quất linh vật, các nhà vườn cũng đã ươm trồng thêm những dòng quất nghệ thuật như dòng quất “Thuận buồm xuôi gió” có giá từ 3 triệu đồng/cây.

Một cây quất có dáng “Thuận buồm xuôi gió” có giá từ 3 triệu đồng/cây. Ảnh: N.T
Một cây quất có dáng “Thuận buồm xuôi gió” có giá từ 3 triệu đồng/cây. Ảnh: N.T
Là người lên ý tưởng cho chậu quất “Thuận buồm xuôi gió”, ông Hoàng Văn Luận - chủ vườn Hoàng Gia, phường Tứ Liên cho hay: “Hình ảnh thuyền buồm xuôi gió khiến ta liên tưởng đến đại dịch COVID-19 sẽ qua nhanh nếu tất cả cùng đoàn kết".
Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Ngà - Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên cho hay, hiện có khoảng 400 hộ trồng quất cảnh với tổng diện tích lên tới 20 ha. Mỗi nhà vườn có diện tích khoảng 1.000 m2, số lượng những gốc quất vào khoảng vài trăm đến cả nghìn.

Những cây đặt trước sẽ được dán nhãn, chỉ cần đúng ngày hẹn sẽ giao đến tận nhà. Ảnh: N.T
Những cây đặt trước sẽ được dán nhãn, chỉ cần đúng ngày hẹn sẽ giao đến tận nhà. Ảnh: N.T
“Năm nay, khó khăn chồng chất khi vừa dịch bệnh khiến nhu cầu của khách hàng giảm, vừa thời tiết không ủng hộ vì hè vừa rồi nắng nóng ngoài trời hơn 40 độ, gió rét thì đến sớm hơn nên quá trình sinh trưởng của cây cũng bị ảnh hưởng.
Hiện tại, chúng tôi đang phải nỗ lực để có được chất lượng cây tốt, đồng đều để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, công sức bỏ ra so với giá thành không lời lãi được bao nhiêu khiến nhiều nhà vườn thấp thỏm vì vụ cây cảnh năm nay" - bà Ngà cho hay.
NGUYỄN THUÝ - VY ANH (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/nguoi-trong-quat-tu-lien-do-mat-cho-thuong-lai-990957.ldo

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.