Hội thảo "Kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 11-11, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông” trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hội thảo nhằm huy động các nguồn lực để xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp; nâng cao trình độ của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp để hội nhập quốc tế.

Quang cảnh hội thảo kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Ảnh Lê Nam
Quang cảnh Hội thảo kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Ảnh Lê Nam

Theo ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh: giai đoạn 2020-2022, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Trung tâm đã triển khai hiện các dự án khuyến nông như: sản xuất giống gia cầm tại huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku; nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa; sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá mỳ do vi rút gây hại tại huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện; trồng cây ăn quả xen trong vườn cà phê tại huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh; xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững tại huyện Đak Đoa; trồng mía giống mới, áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, liên kết với nhà máy tiêu thụ nguyên liệu tại huyện Kbang; liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp tại huyện Chư Prông; trồng rừng thâm canh bời lời đỏ năng suất cao; quản lý dịch hại tổng hợp trên chanh dây gắn với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi heo bản địa sinh sản, thương phẩm an toàn sinh học dưới hệ thống điện mặt trời tại huyện Ia Grai; sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại huyện Chư Prông… Tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn hơn 7 tỷ đồng.

Ngoài ra, chương trình khuyến nông địa phương triển khai thực hiện các mô hình như: sản xuất lúa chất lượng cao; sản xuất giống mì sạch bệnh; trồng bắp sinh khối; trồng rau đạt chứng nhận VietGAP; trồng cây ăn quả; hỗ trợ bò cái lai nhằm cải tạo đàn bò địa phương; nuôi heo bản địa; nuôi dê và nuôi hươu sao; trồng các loại cây dược liệu có thế mạnh là bạc hà, sâm đương quy,… với tổng kinh phí ngân sách huyện thực hiện khoảng 19,52 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chương trình dự án khác như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), kinh phí thực hiện hơn 795 triệu đồng; Dự án ong mật, đã cấp phát 5.400 cầu ong giống, kinh phí hỗ trợ 70% giống và 1,08 tấn đường kính trắng là 390,1 triệu đồng; Chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ cấp phát nitơ lỏng và 4.350 liều tinh đông lạnh bò; Dự án tưới nước tiết kiệm do tổ chức iDE tài trợ  với kinh phí 1,1 tỷ…

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai tham luận tại hội thảo. Ảnh Lê Nam
Lãnh đạo Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai tham luận tại hội thảo. Ảnh: Lê Nam

Tại Hội thảo, đại diện các Viện nghiên cứu, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyên, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp đã đưa ra những ý kiến thảo luận bàn giải pháp nhằn kết nối, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh như: các công ty, doanh nghiệp đã giới thiệu các loại giống mới, sản phẩm, vật tư phục vụ nông nghiệp bền vững; ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm sử dụng máy bay phun thuốc không người trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong khi đó, các địa phương cũng mong muốn công ty, doanh nghiệp cần nâng cao uy tín với người dân, đảm bảo chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp khi cung cấp cho bà con và tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp trực tiếp tham gia cùng với địa phương thực hiện các mô hình khuyến nông và nhân rộng những mô hình hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: Hoạt động khuyến nông có sự đóng góp không nhỏ trong thành công của ngành Nông nghiệp và PTNT trong tiến trình tái cơ cấu ngành vừa qua. Thông qua các mô hình khuyến nông đã giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp giúp cho ngành duy trì tốc độ tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Ngoài ra, công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ góp phần ngăn chặn được vật tư nông nghiệp giả, nhái, kém chất lượng đưa vào sản xuất. Ngành nông nghiệp đã chứng nhận được các cây đầu dòng để tạo ra giống cây trồng tốt cho người dân sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá và phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao cần phải phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, các sản phẩm chủ lực có chất lượng cao, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế đa giá trị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường, sản xuất giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Sở Nông nghiệp và PTNT và các công ty, doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh Lê Nam
Sở Nông nghiệp và PTNT và các công ty, doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh Lê Nam

Cũng tại Hội thảo, Sở Nông nghiệp và PTNT và các công ty, doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong công tác tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và nhân rộng mô hình khuyến nông nhằm giúp nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phấn tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để hội nhập quốc tế; đẩy mạnh hợp tác thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho người dân; kết nối doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông-lâm-thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm…

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.