5 tháng chưa làm xong 600 mét đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một tuyến đường dài 600 mét nhưng thi công gần 5 tháng trời vẫn chưa hoàn thành đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như hoạt động kinh doanh của các hộ dân hai bên đường.

Đường Hoàng Văn Thụ chỉ dài 600 mét nhưng là một trong những con đường lớn tại trung tâm thị xã Ayun Pa, tập trung nhiều hộ kinh doanh. Những năm qua, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều vết bong tróc, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi gây ảnh hưởng đến giao thông. Bởi thế, khi thị xã có kế hoạch làm lại con đường này, các hộ dân ở hai bên đường cũng như người dân tại thị xã thường xuyên phải lưu thông qua đây đều rất vui mừng. Tuy nhiên, khi con đường bắt đầu thi công cũng là lúc cuộc sống của người dân bị đảo lộn, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Đường thi công chậm chạp gây bức xúc cho người dân.    Ảnh: V.N
Đường thi công chậm chạp gây bức xúc cho người dân. Ảnh: V.N

Cuối tháng 8-2016, đơn vị thi công bắt đầu đưa máy xúc múc toàn bộ nền đường lên để gia cố phần móng. Giai đoạn này kéo dài khiến các phương tiện lưu thông qua đường Hoàng Văn Thụ gặp rất nhiều trở ngại. Hàng trăm hộ dân ở hai bên đường phải tự làm cầu thang để đưa xe máy lên nhà. Đặc biệt, khi nhà thầu thi công phần nền đường, đổ đất, đá và tiến hành lu thì cuộc sống của các hộ dân càng bị ảnh hưởng nặng nề. Bà Nguyễn Thị Lai (nhà số 66 đường Hoàng Văn Thụ) bức xúc: “Không hiểu họ làm kiểu gì mà 11, 12 giờ đêm cứ mang máy ra lu khiến rung ầm ầm cả nhà. Thanh niên thì không nói chứ người già rồi trẻ em, học sinh ngủ từ 9 giờ tối, tới giờ đó đều bị đánh thức không tài nào ngủ được, sáng dậy ai nấy đều mệt mỏi”.
 

Ông Lý Phước Quang-Phó Trưởng ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản thị xã Ayun Pa-đơn vị chủ đầu tư cho biết, công trình này có vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xuân Hương làm nhà thầu. Về vấn đề thi công chậm, ông Quang giải thích: “Theo kế hoạch, đường khởi công từ đầu tháng 8-2016 và nghiệm thu vào cuối tháng 1-2017 nên hiện vẫn chưa thể nói là chậm tiến độ. Thời gian làm đường dài như vậy là vì chúng tôi đã tính trước những yếu tố có thể xảy ra. Trên thực tế thì trong thời gian thi công đã xảy ra mưa lũ, đoạn đường có đông phương tiện qua lại phức tạp. Ban ngày nhiều người đi nên nhà thầu mới tiến hành lu vào buổi tối khi có ít phương tiện hơn. Còn việc đã lu rồi nhưng còn đào lên lại là do nền đường bị đọng nước, không đảm bảo nên khi kiểm tra thấy chưa đảm bảo thì buộc phải đào lên lu lại cho đúng kỹ thuật”.

Các hộ dân trên con đường cũng bày tỏ sự thắc mắc khi nhà thầu thi công tiến hành lu vào ban đêm, sáng hôm sau lại đưa máy xúc múc nền đường lên lại. “Chúng tôi chưa thấy con đường nào lại làm kiểu này, cứ đêm lu phẳng lì rồi sáng sau lại thấy móc lên. Máy lu thì ầm ầm giữa đêm, nhiều nhà rơi hết đồ đạc, có nhà còn bị nứt cả tường, không dám ở trong nhà nữa. Đường có mấy trăm mét mà làm gần nửa năm rồi, mỗi ngày thấy họ chỉ làm được một chút, có ngày thì chẳng làm gì cả. Bán hàng bán quán mà làm đường thế này phải nghỉ mất mấy tháng, khi bán lại thì khách cũng lèo tèo không được như trước. Chúng tôi cứ nai lưng ra chịu thôi chứ đâu thể tự mà làm đường được”-chị Nguyễn Thị Nhung (nhà số 90 đường Hoàng Văn Thụ) cho hay.

Tuy nhiên, nỗi khốn khổ nhất với các hộ dân trên đoạn đường này chính là bụi. Việc thi công kéo dài khiến con đường luôn trong tình trạng bụi mù mịt. Chị Nguyễn Thị Bé (nhà số 57 đường Hoàng Văn Thụ) phản ánh: “Đóng cửa kín mít rồi mà bụi vẫn cứ bay vào phủ kín đồ đạc trong nhà, phải mua bạt phủ lên mà cũng không ăn thua. Nhà tôi bán quán nhậu đã phải đóng cửa nghỉ cả tháng rồi. Nay mở lại thì bụi quá khách cũng không dám vào, tổn thất nặng về kinh tế. Tết nhất đến nơi rồi mà đường vẫn còn chưa xong, quán thì không bán được, lấy tiền đâu ăn Tết. Biết là làm đường thì dân phải chịu cực một chút nhưng đường làm lâu thế thì này dân sao chịu được”.

Theo ghi nhận của P.V, nhà của các hộ dân bên đường đều bị phủ một lớp bụi dày màu xám. Mỗi ngày, người dân đều phải xịt nước, lau chùi nhưng chỉ sau một đêm lớp bụi lập tức trở lại. Nhiều người dân cũng đã phản ánh về việc mắc các bệnh về đường hô hấp vì bụi quá nhiều.

Lê Gia

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.