Nỗ lực gìn giữ sử thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sử thi song ngữ Bahnar-Việt “Diông Sen Gren” vừa được trao giải nhì của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2018. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho tác giả sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân hát kể và là niềm tự hào của ngành Văn hóa tỉnh ta trong nỗ lực bảo tồn, gìn giữ giá trị sử thi Bahnar.
Sử thi “Diông Sen Gren”do Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), một người vốn nhiều tâm huyết với văn hóa dân gian Bắc Tây Nguyên-sưu tầm và biên soạn. Người hát kể là Nghệ nhân Ưu tú Đinh Yie, hiện sinh sống tại làng Groi 1 (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ); người phiên âm, dịch nghĩa là ông Y Phon. Nguyễn Quang Tuệ cho biết, anh đã có hàng chục chuyến về làng trong suốt hơn 3 năm ròng mới hoàn thành sử thi này. Cuốn sách được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp kinh phí xuất bản và phát hành tháng 8-2018, là quà tặng các khách mời trong dịp Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018.
 Sử thi “Diông Sen Gren” đạt giải nhì của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2018. Ảnh: H.N
Sử thi “Diông Sen Gren” đạt giải nhì của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2018. Ảnh: H.N
Nét mới có thể nhận ra trong cuốn sách này là sự thay đổi cách biên soạn. Trước kia, các sử thi Tây Nguyên thường chỉ có 2 phần gồm bản chữ dân tộc thiểu số và bản biên tập văn học tiếng Việt, thì nay trong “Diông Sen Gren”, những người am hiểu văn hóa và ngôn ngữ Bahnar còn có thể đọc thêm phần dịch nghĩa. Đây là cuốn sách thứ 2 được Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ thực hiện theo cách này (cuốn đầu là “Bok Set phát rừng đá của Yang”, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2017, gồm 630 trang). Theo anh, đây không chỉ là sự tôn trọng người dịch mà còn là “vật chứng” để những người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận được “gốc gác” của sử thi. Ngoài ra, sách còn chứa đựng hàng trăm chú thích chi tiết, thể hiện công phu của người biên soạn.
Ông Phan Xuân Vũ-nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-khẳng định: “Sử thi “Diông Sen Gren” được xuất bản là một nỗ lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ vốn văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ đối với loại hình sinh hoạt dân gian từng có vị trí trang trọng và đỉnh cao, nay trở nên mong manh trước những biến đổi nhanh chóng về môi trường sinh tồn của cộng đồng. Hy vọng, ấn phẩm sẽ là tài liệu cần thiết cho những người yêu mến văn hóa truyền thống Gia Lai, Tây Nguyên”.
Trước sử thi “Diông Sen Gren”, tại Gia Lai đã có hàng chục sử thi được xuất bản, nhiều công trình nghiên cứu về sử thi được công bố. Điều đó cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm sử thi Bahnar được ngành Văn hóa tỉnh nhà rất chú ý, lưu tâm. Tuy nhiên, so với kho sử thi khổng lồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là ít ỏi. Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, điều may mắn là cho đến nay, Gia Lai vẫn còn một số nghệ nhân có thể hát kể sử thi tại cộng đồng. Song những “báu vật nhân văn sống” này phần lớn đều đã tuổi cao, sức yếu. Họ đã và đang lần lượt về cõi A tâu, vĩnh viễn mang theo kho báu quý giá được trao truyền nhiều thế hệ, trong nhiều thế kỷ trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vỹ này. Nếu không có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ nghệ nhân này, đồng thời đẩy nhanh công tác sưu tầm, biên soạn thì nguy cơ mai một là điều có thể nhìn thấy.
Giá trị to lớn của sử thi Bahnar nói riêng và sử thi nói chung được ví như bộ bách khoa thư của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó không chỉ là vốn quý văn nghệ dân gian mà còn là kho tàng lịch sử sống động. Để hiểu về vùng đất Tây Nguyên với vẻ đẹp văn hóa rực rỡ, sử thi chính là nguồn thông tin chân thực, hữu ích, quý giá. Tại Gia Lai, nhờ những nỗ lực truyền giữ từ cộng đồng, ngành Văn hóa và chính quyền các địa phương, năm 2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chính thức đưa sử thi Bahnar của các huyện Đak Pơ, Đak Đoa, Kbang và Kông Chro vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng đặt ra cho địa phương trọng trách lớn lao: gìn giữ giá trị văn hóa vốn có trong bối cảnh hiện nay, khi mà người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu rất ít ỏi, chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân chưa tương xứng cùng vô vàn thách thức khác.
Từ giải thưởng của sử thi “Diông Sen Gren”, một lần nữa, những người yêu mến văn hóa vừa vui, vừa lo lắng khi nhìn lại tiến trình gìn giữ sử thi-thành tố làm nên chiều sâu và giá trị độc đáo của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, di sản của nhân loại.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).