(GLO)- Với suy nghĩ giản đơn rằng đã sinh ra và lớn lên trên vùng đất hồ tiêu Chư Sê thì phải làm gì để mọi người biết đến sản phẩm này, vậy là chị Phùng Thị Trúc đã lựa chọn khởi nghiệp bằng nghề chế biến các sản phẩm hồ tiêu. Với 2 dòng sản phẩm hồ tiêu xanh ngâm chua ngọt và hồ tiêu xanh ngâm giấm mắm được thị trường đón nhận, thương hiệu “Trúc Phùng Farm” ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Đưa thương hiệu hồ tiêu Chư Sê vươn xa
Sinh năm 1991, học ngành Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, khóa 2009-2013), sau khi ra trường, Trúc đi dạy thêm tại Đà Nẵng rồi làm cho một công ty truyền thông ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 2016, Trúc quyết định rời bỏ đô thị phồn hoa để về gần gũi gia đình, chăm sóc ba mẹ. Thế nhưng, bén duyên với kinh doanh, Trúc bước sang một ngã rẽ mới, đó là làm mới những sản phẩm hồ tiêu, góp phần đưa thương hiệu hồ tiêu Chư Sê vốn đã được nhiều người biết đến nay lại càng vươn xa ra nhiều tỉnh thành trong nước. Hiện nay, các dòng sản phẩm chính như: tiêu ngâm, tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ phơi giàn của chị đã được ký gửi tại các đại lý, cộng tác viên bán lẻ ở các tỉnh, thành như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.
|
Sản phẩm tiêu ngâm của Cơ sở sản xuất và kinh doanh Trúc Phùng Farm được khách hàng quan tâm tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Ảnh: M.N |
Trúc cho biết, trong dịp Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai, 800 hũ tiêu chua ngọt, tiêu ngâm mắm của chị được bán hết. Đó là chưa kể những đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh như: thị xã Ayun Pa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… trị giá hơn 30 triệu đồng mà chị nhận được trong dịp này. Trước đó, tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai (tháng 4-2018), gian hàng trưng bày sản phẩm hồ tiêu ngâm của Trúc cũng được nhiều khách hàng quan tâm. Tính từ cuối năm 2017, thời điểm sản phẩm góp mặt trên thị trường đến nay, cơ sở sản xuất và kinh doanh “Trúc Phùng Farm” của chị đã tiêu thụ được 3.000 hũ sản phẩm, trong đó, tiêu ngâm chua ngọt là 2.300 hũ, tiêu ngâm nước mắm 700 hũ. Với giá bán thấp nhất là 45.000 đồng/hũ, cao nhất 95.000 đồng/hũ, doanh thu của chị đạt trên 200 triệu đồng.
Mong muốn khẳng định hướng đi riêng
Trúc cho biết, việc chọn khởi nghiệp từ các sản phẩm hồ tiêu đến với mình như một cơ duyên, bắt đầu từ việc lấy tiêu xanh ngâm giấm theo kiểu thô sơ để dùng trong bữa ăn gia đình. Nhưng với tính tò mò, ham học hỏi, Trúc đã thử nghiệm nhiều cách sao cho sản phẩm làm ra ngày một ngon hơn. Sau đó, chị bắt đầu làm nhiều hơn rồi gửi tặng bạn bè, người thân. “Nhiều người ăn thấy ngon nên động viên tôi chế biến nhiều hơn để bán”-Trúc nhớ lại.
Kinh nghiệm khởi nghiệp của Phùng Thị Trúc: * Chọn những nguyên liệu sẵn có của địa phương. * Đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. * Tiếp thu góp ý của những người đi trước để hoàn thiện sản phẩm. |
Cuối năm 2017, được sự giúp đỡ của một người chị, những sản phẩm đầu tay của Trúc đã tham gia gian hàng “Xuân yêu thương” tại đình làng cổ Hải Châu 1 (TP. Đà Nẵng). Và ngay cả Trúc cũng không thể tin rằng, 200 hũ sản phẩm của cơ sở chỉ trong ngày đã bán hết sạch. Thế là từ đấy, những đơn hàng của người quen đặt nối nhau gửi tới, nhất là trong dịp Tết nhiều khi khiến chị tối mắt tối mũi thực hiện, hết đóng hàng gửi ra Đà Nẵng, Hà Nội lại bắt xe gửi đi TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang. Chiều thứ sáu hàng tuần, sau khi kết thúc công việc thuyết minh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Trúc lại chạy xe máy gần 40 km về nhà tại xã Ia Pal (huyện Chư Sê) để bắt tay ngay vào công việc. Say mê làm việc đến quên cả đêm, tất bật cho đến sáng thứ hai, chị mới lên lại TP. Pleiku làm việc.
Công việc vất vả nên nhiều khi Trúc bị cha mẹ phản đối, cho rằng đây không phải là nghề của cô gái có tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Nhưng Trúc vẫn kiên trì, tự mình cáng đáng hết việc này đến việc khác. Từ 4 giờ 30 phút sáng, một mình chị lặn lội sang vườn hồ tiêu của gia đình bắc thang lên lựa chọn kỹ lưỡng từng chùm tiêu ưng ý nhất. Theo Trúc, những chùm tiêu được chọn phải không thưa hạt hay mắc bệnh, độ già vừa phải để không bị hăng gây khó chịu cho người dùng. Hồ tiêu hái về được rửa sạch, phơi khô trên giàn. Tiếp đó là công đoạn cắt tiêu theo kích cỡ, rồi lột tỏi, chọn ớt, chế biến nước gia vị xếp các chùm tiêu ngay ngắn vào hũ trước khi đóng nắp thành phẩm. Tất cả các bước này đều được làm thủ công.
Thấy Trúc làm việc tất bật, quên ăn, quên ngủ nên ba mẹ chị cuối cùng đành chịu thua tính tình “ương bướng” của con gái và quay sang giúp đỡ. Sau khi lập gia đình, chồng chị cũng phụ giúp một tay, mọi việc dần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Trúc thừa nhận công tác quảng bá sản phẩm của mình còn nhiều hạn chế. Hiện chị đang cải thiện khâu này, đồng thời cải tiến cách đóng gói nhằm giảm bớt các công đoạn thủ công, hạ giá thành sản phẩm. “Đến thời điểm này, điều khiến tôi tự hào nhất đó là sản phẩm do mình tạo ra đã vững vàng, lớn mạnh, góp phần đưa thương hiệu hồ tiêu Chư Sê vươn xa”-Trúc chia sẻ.
Theo Trúc, nếu chỉ bán hồ tiêu xanh đóng gói thì rất lời nhưng không khẳng định được điều gì, không để lại dấu ấn đặc biệt. Chính vì thế, khi một công ty của Nhật Bản liên hệ với mong muốn hợp tác mở nhà máy chuyên về các sản phẩm hồ tiêu xanh thì chị đã từ chối. “Công ty này muốn liên kết với tôi, họ có công nghệ, mình thì có kỹ năng truyền thống. Họ có định hướng cho tôi về làm quản lý rồi giúp họ sản xuất sản phẩm từ hồ tiêu xanh nhưng thật lòng tôi không muốn chia sẻ thương hiệu, chỉ muốn khẳng định hướng đi riêng của mình”-Trúc cho hay.
Minh Triều