Phim Việt 'mất hút' tại rạp chiếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện tại rạp Việt chứng kiến sự đổ bộ của một loạt phim ngoại, chiếm lĩnh hoàn toàn các suất chiếu lẫn doanh thu phòng vé; còn phim Việt thì mất hút, không tạo sự chú ý nào cho khán giả.

Thua đậm trên "sân nhà"

Phim hè vốn là mùa "ăn nên làm ra" của nhiều nền điện ảnh trên thế giới, nhưng điện ảnh Việt dường như đã "bỏ trống trận địa", nhường hẳn "điểm rơi" thị trường béo bở này vào tay các phim ngoại nhập.

Poster hai phim kinh dị Việt sẽ công chiếu tại rạp sau loạt phim Việt thất bát doanh thu phòng vé

Poster hai phim kinh dị Việt sẽ công chiếu tại rạp sau loạt phim Việt thất bát doanh thu phòng vé

Từ đầu hè đến nay, điện ảnh Việt có 3 phim ra mắt, gồm: Án mạng lầu 4 của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chiếu từ 17.5, Móng vuốt của đạo diễn Lê Thanh Sơn chiếu từ 7.6, và Mùa hè đẹp nhất của đạo diễn Vũ Khắc Tuận chiếu từ 28.6. Các phim này đều có doanh thu bết bát đến không ngờ, chỉ đạt 2 - 3 tỉ đồng sau 4 tuần công chiếu. Mùa hè đẹp nhất với dàn diễn viên: Trần Nghĩa, Khánh Vân, Công Dương, Minh Dự, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, Hồng Ánh, nghệ sĩ Thanh Nam, Đức Sơn… đã không còn suất ở các rạp lớn, chỉ còn 7 suất chiếu trên tất cả hệ thống rạp toàn quốc, thu được khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày. Cuối tuần này, Mùa hè đẹp nhất sẽ rời rạp với tổng doanh thu 4 tỉ đồng.

Hiện tại, phần lớn khán giả bình luận trong các diễn đàn điện ảnh trên mạng cho biết nếu cảm thấy bộ phim chưa đáp ứng được nhu cầu của mình, họ sẽ lập tức quay lưng, từ chối xem, thay vì thử mua vé trải nghiệm như trước. Có thể thấy sau 2 phim Việt có doanh thu cao kỷ lục là Mai của Trấn Thành chiếu hồi tết (thu được 551 tỉ đồng) và Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải chiếu từ lễ 30.4 (đạt 482,4 tỉ đồng), phim Việt khó cạnh tranh với phim ngoại và không thu hút được khán giả, cứ ra mắt là lỗ thê thảm. Trong khi, các phim ngoại chiếu rạp gần đây như Doraemon, Gia tài của ngoại, Inside Out 2, Cửu Long Thành Trại... đều có tốc độ bán vé rất tốt, phá nhiều kỷ lục phòng vé Việt. Mới đây nhất, theo thống kê của Box Office Vietnam, bộ phim Despicable Me 4 (Kẻ trộm mặt trăng 4) có tới 3 tuần liên tiếp dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt. Chuyên trang điện ảnh này nhận xét: "Dù không được đánh giá cao về nội dung như các phần trước, Despicable Me 4 vẫn làm mưa làm gió tại phòng vé Việt. Tổng doanh thu hiện tại của phim đạt hơn 120 tỉ đồng - trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao thứ 4 tại VN".

Hai vị trí cao tiếp theo trên bảng xếp hạng của phòng vé Việt đều thuộc về bom tấn Hàn Quốc, chiếu từ cuối tuần trước. Phim hành động, sinh tồn Dự án mật: Thảm họa trên cầu có kinh phí lên đến 18 tỉ won (gần 330 tỉ đồng), đứng thứ 2 với doanh thu rạp Việt 16 tỉ đồng. Xếp vị trí thứ 3 là phim hành động kịch tính về một vụ khống chế trên máy bay Vây hãm trên không với các ngôi sao Hàn: Ha Jung-woo, Yeo Jin-goo, dựa trên sự kiện có thật từng gây rúng động Hàn Quốc vào năm 1971. Dự đoán, tình trạng phim nội địa thất thế trước phim ngoại, không có bất kỳ phim Việt nào trong danh sách 10 tác phẩm ăn khách nhất phòng vé Việt sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần tới.

Phim Việt còn có gì để cạnh tranh ?

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng doanh thu của các phim ngoại khi chiếu dịp hè ở rạp Việt, có thể thấy nhu cầu tới rạp xem phim của khán giả vẫn rất cao. Thế nhưng, các nhà làm phim Việt vẫn chưa giải được bài toán "làm sao để hút khách", để cạnh tranh được với những tác phẩm quốc tế. Lý do như nhà sản xuất N.K đưa ra là: "Chất lượng phim đa số không ổn, đề tài kém hấp dẫn, diễn xuất không đồng đều… đã tạo nên những bộ phim "nhạt như nước ốc", không có điều gì thôi thúc khán giả phải xem cho bằng được".

Để tránh "đối đầu" bất lợi với những tác phẩm Hollywood, Hàn Quốc…, các nhà sản xuất phim Việt ở mùa này đang chọn giải pháp "an toàn về thị hiếu chung" là đưa ra công chiếu các phim ma hoặc kinh dị - hài. Theo đó, bộ phim kinh dị Ma da do Nguyễn Hữu Hoàng đạo diễn, với các diễn viên: Việt Hương, Thành Lộc, Trung Dân, Cẩm Ly, nghệ sĩ Diệu Đức…, lấy cảm hứng từ câu chuyện tâm linh về "ma da kéo giò" trong dân gian, sẽ chiếu rạp vào ngày 16.8 tới. Việt Hương vào vai nữ chính là một trung niên lam lũ, làm nghề vớt xác, đem những người mất dưới sông trở về bên gia đình. Đến 30.8, Làm giàu với ma - phim hài tâm linh của đạo diễn Trung Lùn sẽ công chiếu, kể câu chuyện về hai cha con Lanh (Tuấn Trần đóng) và ông Đạo (NSƯT Hoài Linh) với những giao kèo làm giàu cùng ma nữ Na (Diệp Bảo Ngọc)… Trong tháng 9, nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng sẽ cho ra mắt phim kinh dị Con Cám, xoay quanh Cám - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm, với nhiều nhân vật và chi tiết sáng tạo vừa lạ vừa quen, qua diễn xuất của Lâm Thanh Mỹ, Rima Thanh Vy, Thúy Diễm, Quốc Cường, Hải Nam, Hạnh Thúy, NSƯT Ngọc Hiệp… Tiếp nối dòng phim kinh dị, tháng 11, rạp Việt sẽ tung tiếp phim Linh miêu có nghệ sĩ Hồng Đào và hoa hậu Thùy Tiên đóng chính, của đạo diễn Lưu Thành Luân - người từng thành công với Quỷ cẩu năm ngoái.

Dù nhà sản xuất Việt chọn thị trường "ngách" là phim kinh dị để cạnh tranh (thể loại có kinh phí thấp, tỉ suất hoàn vốn cao), nhưng nếu quan sát thì thấy đã có tới 16 phim kinh dị của Mỹ, Pháp, Thái Lan… chiếu tại phòng vé Việt từ đầu hè đến nay, và các phim của họ đều đa dạng đề tài cũng như cách thể hiện mới lạ. Thế nên, với các phim kinh dị Việt sắp tới, chiến lược quảng bá để thu hút người xem càng khó hơn, nhất là sẽ cùng cạnh tranh với loạt phim kinh dị nước ngoài sắp chiếu rạp Việt gồm: Mồ tra tấn của Indonesia ra rạp 2.8; Ba đêm kinh hoàng của Hàn Quốc từ 2.8; Bẫy (tựa tiếng Anh: Trap) khởi chiếu 9.8; Kinh hãi (Afraid) chiếu từ 30.8; Ma siêu quậy - hài kinh dị của Mỹ chiếu từ 6.9…

Bên cạnh thể loại kinh dị để "đấu" với phim ngoại, phim Việt trong tháng 10 còn thêm tia hy vọng khi chiếu các phim tâm lý - tình cảm như Cô dâu hào môn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), phim độc lập Culi không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân, từng đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024).

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.