Rating thấp, quảng cáo nhiều
Cuối năm 2024, khung giờ vàng của VTV không có tác phẩm nào nổi bật. Hai phim lên sóng thời điểm này đều đạt rating thấp. Phim Không thời gian phát sóng từ tháng 11/2024, được xem là một trong những dự án lớn nhất của VFC với bối cảnh trải dài nhiều tỉnh thành. Phim của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng khắc họa chân dung người lính trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Vai nam chính Không thời gian được giao cho Mạnh Trường. Các diễn viên còn lại gồm NSND Trung Anh, NSND Như Quỳnh, diễn viên Chí Nhân, Xuân Anh (Lê Bống)...

Là bộ phim duy nhất do VFC sản xuất được phát trên khung giờ vàng vào cuối năm 2024 nhưng rating Không thời gian khá thấp. Theo bảng xếp hạng rating các chương trình truyền hình, phim chỉ đạt gần 4% - mức thấp so với một bộ phim giờ vàng. Không thời gian còn khoảng hơn 10 tập nữa mới kết thúc nhưng chưa gây ấn tượng với khán giả.
Đi về miền có nắng lên sóng tháng 1 - vừa chiếu tập cuối hôm 14/2 - cũng không tạo đột phá. Phim có Bình An, Yên Đan đóng chính bị chê nhồi nhét nhiều quảng cáo, kịch bản hời hợt. Trong tập cuối, cảnh nam chính cầu hôn nữ chính chèn quảng cáo nhẫn cưới lộ liễu. Hộp nhẫn được quay cận với tên thương hiệu. Ở các tập trước, một thương hiệu nước mắm cũng xuất hiện nhiều lần.


Ngoài Bình An, các diễn viên còn lại của phim không được đánh giá cao. Yên Đan (vai Tường Vân) có cảnh khóc không ra nước mắt.
Cùng nhà sản xuất với Đi về miền có nắng, Đi giữa trời rực rỡ lên sóng trước đó rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột. Phim mở đầu ấn tượng nhưng mất điểm vì tranh cãi liên quan đến trang phục của dân tộc Dao. Chuyện tình giữa Pu (Ceri Thu Hà) và Chải (Long Vũ) hút khán giả ở vài tập đầu vì sự dễ thương. Ở chặng giữa, khi hai nhân vật chính lên thành phố, Pu bị khán giả quay lưng.
Khán giả cho rằng Pu lợi dụng tình cảm của Chải, thậm chí ngang nhiên lấy tiền của người mà mình kiên quyết từ chối chỉ để phục vụ mục đích riêng. Pu gây mất thiện cảm với những chi tiết giả vờ đồng ý lấy Chải để gia đình được xóa nợ và bản thân được đi học.
Đi giữa trời rực rỡ cũng có cảnh quảng cáo nước mắm, mì tôm lộ liễu.
Trông chờ khung giờ mới và kịch bản remake
Từ 17/2, khung giờ vàng trên VTV có sự thay đổi. Trong một buổi tối, khán giả có thể xem phim từ 20h-20h45 và từ 21h-21h30 trên hai kênh sóng.
Ông Lê Mạnh - Quyền giám đốc Trung tâm Phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) - cho biết: "VTV đã khảo sát, nghiên cứu để điều chỉnh, sắp xếp lại khung giờ phát sóng chương trình phù hợp với người xem. Chúng tôi đánh giá 20h các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần là khung giờ tốt nhất dành cho thể loại giải trí. Phim truyền hình được lựa chọn chiếu vào khung giờ này", ông Lê Mạnh nói.
Ở khung 20h từ thứ 2 đến thứ 4, phim mới ra mắt là Cha tôi, người ở lại của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa. Phim được làm lại từ kịch bản gốc Lấy danh nghĩa người nhà của Trung Quốc. Đạo diễn Vũ Trường Khoa và dàn diễn viên khẳng định Cha tôi, người ở lại có nhiều điểm khác Lấy danh nghĩa người nhà, các chi tiết trong phim gần gũi với đời sống xã hội Việt Nam.


Sau khi tập 1 lên sóng, phim tạo hiệu ứng khá tốt. Một số phân đoạn người mẹ hỏi chuyện học hành, thứ hạng ở lớp của con hay cảnh những người phụ nữ tám chuyện ngoài chợ được nhận xét "đậm chất phim Việt".
Mỗi năm, VTV sản xuất hơn 500 tập phim, tương đương từ 12-15 bộ phim. Phim về đề tài gia đình thường chiếm ưu thế vì kịch bản gần gũi, đáp ứng thị hiếu số đông khán giả.
Năm qua, Người một nhà và Gặp em ngày nắng nhận nhiều bình luận tích cực nhất trong số những phim về tình yêu, gia đình của VTV. Độc đạo nổi bật ở dòng phim hình sự. Mỗi tập phát sóng có rating trung bình 4,8-4,9%.
Theo Thu An (TPO)