Phát triển dịch vụ ngân hàng dễ tiếp cận và an toàn đối với người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc phát triển và gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng và đặc biệt là ứng dụng các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng thông tin là một xu hướng tất yếu, là một yêu cầu bức thiết.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Đề án 1726). Có thể khẳng định, đây là một trong những đề án rất quan trọng đối với ngành ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan đầu mối sẽ triển khai đề án này như thế nào. Những chia sẻ dưới đây của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh với phóng viên sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

- Thưa Phó Thống đốc, Đề án 1726 có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách tiếp cận như thế nào để người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng tốt nhất?

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Chiến lược phát triển khu vực dịch vụ của nền kinh tế nói chung; trong đó, có chiến lược bộ phận phát triển dịch vụ ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế là rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế là một trong Đề án bộ phận cốt lõi để thực hiện Chiến lược tổng thể về phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025; thay đổi căn bản diện mạo hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ chỗ kinh doanh chủ yếu dựa vào tín dụng chuyển sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, tăng doanh thu từ dịch vụ, giảm bớt rủi ro từ tín dụng và nợ xấu.

Nói về tiếp cận dịch vụ ngân hàng, chúng ta xem xét trên 2 góc độ. Thứ nhất là mức độ sẵn có của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để khách hàng có thể lựa chọn và sử dụng. Thứ hai là tỷ lệ khách hàng, ở đây bao gồm cả doanh nghiệp và các cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Dưới góc độ Ngân hàng Nhà nước, việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng đương nhiên chú ý thiết lập để đảm bảo mức độ sẵn sàng của sản phẩm dịch vụ. Thứ hai nữa là thực hiện mọi biện pháp để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng dịch vụ đó, tăng tỷ trọng sử dụng dịch vụ đó.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, nói về quản lý nhà nước thì người ban hành luật chơi đó là xây dựng những văn bản pháp quy để phát triển hoạt động ngân hàng nói chung và sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói riêng.

Tiếp theo là đưa những luật chơi đó vào cuộc sống, thứ ba là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý để đảm bảo cho những sản phẩm dịch vụ phát triển theo đúng quy định.

 

- Trong mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đã đặt ra yêu cầu đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ. Vậy, Ngân hàng Nhà nước quan tâm như thế nào tới vấn đề này?

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Việc phát triển và gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng và đặc biệt là ứng dụng các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng thông tin là một xu hướng tất yếu, là một yêu cầu bức thiết.

Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm tới phát triển các sản phẩm cũng như kênh cung ứng này. Bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ các sản phẩm dịch vụ đó thì vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh, đảm bảo quyền lợi của người dử dụng dịch vụ thì luôn luôn được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều những văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng các sản phẩm dịch vụ thanh toán trong việc đảm bảo an toàn an ninh và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Mới đây, sau một số sự cố đã xảy ra, ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 30/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.

Trong đó có quy định rõ trách nhiệm, cách làm thời hạn xử lý khi có những sự cố, những vấn đề khiếu nại của khách hàng đến các tổ chức tín dụng.

Tôi tin tưởng rằng, thông tư đó có thể đáp ứng được những yêu cầu bức thiết phát sinh trong thời gian qua và nó có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, hoàn thiện hơn để các tổ chức trung gian thanh toán và chính bản thân người sử dụng có thể có những ứng xử phù hợp khi xảy ra sự cố.

- Để triển khai đề án nâng cao sử dụng dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế, Chính phủ có phân công cho nhiều bộ ngành cùng tham gia. Vậy kế hoạch phối kết hợp của Ngân hàng Nhà nước với các bộ ngành liên quan như thế nào, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: Đề án 1726 đã đề ra các nhóm giải pháp rất đồng bộ, toàn diện và cụ thể. Qua các nhóm giải pháp có thể thấy để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế bên cạnh sự nỗ lực của toàn ngành ngân hàng thì rất cần sự vào cuộc, phối kết hợp của bộ ngành khác.

Điều này đã khẳng định tại bản kế hoạch triển khai 14 nhiệm vụ chủ yếu của Đề án được đính kèm Quyết định 1726 nhằm tạo lập môi trường kinh doanh phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng, đơn giản dễ tiếp cận và an toàn đối với người dân, doanh nghiệp.

Để triển khai đề án này, trách nhiệm không phải chỉ của riêng ngành ngân hàng mà còn của nhiều bộ ngành; trong đó nhạc trưởng chỉ huy chính là Chính phủ. Thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn có sự phối kết hợp với các Bộ, ngành.

Triển khai đề án này trong thời gian tới, đương nhiên là Ngân hàng Nhà nước phải có sự phối kết hợp với các Bộ, ngành. Trong Quyết định 1726, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành.

Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan đầu mối để triển khai đề án này sẽ tích cực phối hợp một cách cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, dưới sự chỉ huy chung của Chính phủ. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian qua đã phối hợp mạnh mẽ thì trong thời gian tới cũng sẽ phối hợp mạnh mẽ hơn.

- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

Theo Kinhte

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.