(GLO)- Ông Phạm Văn Chinh (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) rất tâm huyết với cây cà phê. Sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành cơ khí, năm 1990, ông xin về làm công nhân ở Nông trường Cà phê Ia Sao II (nay là Công ty Cà phê Ia Sao II). Những ngày đầu về làm công nhân, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng ông Chinh không chùn bước, quyết tâm chọn cây cà phê để làm giàu.
Ông Chinh (bên phải) đang bán phân cho nông dân làng Ó. Ảnh: Đinh Yến |
Hàng ngày, sau khi chăm sóc 1 ha cà phê nhận khoán, ông lại bươn chải làm thuê đủ thứ nghề. Nhờ biết tính toán, chịu khó, từ số tiền làm thuê, kết hợp lô cà phê nhận khoán cũng đến ngày cho thu bói, ông Chinh bán đi mua được 4 sào đất hoang. Từ đó, ông Chinh không ngừng tìm hiểu kiến thức từ nhiều mô hình đã thành công, khai hoang mở rộng diện tích để trồng cà phê. Khi bắt tay vào trồng cà phê năm 1994, ông đã nghĩ đến việc phải xây dựng một vườn cây vừa cho năng suất, chất lượng vừa đảm bảo quy trình của một vườn cây đẹp. Vì vậy, trước khi trồng, ông đã tìm tòi, nghiên cứu từ vườn cây nhận khoán của nông trường mà gia đình đang chăm sóc và tham quan thêm một số vườn lân cận. Khi có thêm kinh nghiệm lẫn kiến thức, ông đã tự thiết kế vườn cây của gia đình từ việc đào hố, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, tạo tán, tỉa cành, tưới nước, bón phân…
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây hơn 20 năm tuổi, ông Chinh giải thích: Vườn cây đẹp không chỉ thiết kế đạt đến độ thẩm mỹ mà còn đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như hệ thống chắn gió, bóng mát, nguồn nước… Quả thật như vậy, khi nhìn những tán cành cà phê xòe ra tứ phía phủ kín cả một khoảnh đất rộng, cành nào cành nấy sai trĩu quả non, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ tài tạo tán, tỉa cành của ông. Bởi theo ông Chinh, khâu tạo tán, tỉa cành sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng cho những năm tiếp theo. Vì thế, sau mỗi vụ thu hoạch, để cây nghỉ ngơi một tháng là phải bắt đầu tưới đợt 1, bỏ phân và cắt cành, tỉa chồi; bỏ những cành khô, cành sâu bệnh, cưa đốn những thân già cỗi, thay thế những cây không cho hiệu quả. “Bón phân phải đủ thành phần, cân đối giữa vô cơ và hữu cơ. Để cây phát triển đều, một vụ phải tưới ít nhất từ 2 đến 3 đợt (tùy vào thời tiết). Bên cạnh đó, công đoạn làm chồi, tỉa cành để tạo nên một vườn cây đẹp, có bóng mát, thoáng để phòng-chống sâu bệnh là việc thường xuyên phải làm”-ông Chinh chia sẻ kinh nghiệm.
Sự đầu tư của ông đã mang lại hiệu quả, không chỉ vườn cây được đánh giá cao mà năng suất cũng đạt hiệu quả ổn định. Cụ thể, trong khi nhiều vườn cà phê lân cận chỉ đạt sản lượng trung bình 12-16 tấn quả tươi/ha thì vườn cà phê của ông cho sản lượng 23-27 tấn quả tươi/ha. Nhờ thế, 2 lần ông Chinh được Hội Nông dân tỉnh chọn đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam. Năm 2014, ông được cử đi dự lễ tôn vinh nông dân Việt Nam trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (giai đoạn 2008-2014) tại Hà Nội.
Đi lên từ gian khó nên ông Chinh luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người nông dân. “Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà phải giúp đỡ bà con gặp khó khăn để họ cũng có thể vươn lên làm giàu. Như vậy, làng xóm quê hương mình mới ngày càng giàu đẹp”-ông Chinh chia sẻ.
Năm 2007, ông Chinh mở đại lý phân bón và thường xuyên bán, hỗ trợ phân bón trả chậm cho bà con, nhất là bà con các thôn làng: Yàng, Zét, Ó, Nú, Tân Sơn, Tân Lập, Hợp Nhất… Theo giải thích của ông, vườn cà phê muốn tốt thì phân bón đóng vai trò rất quan trọng. Người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng họ có ý chí vươn lên trong cuộc sống chứ không ỷ lại, vì vậy mình tạo điều kiện để họ có thể thoát nghèo. Già Rơ Châm Dơn (làng Ó) nói: Nhờ Đại lý phân bón Huệ Chinh bán phân chất lượng mà vườn cà phê của hộ nào cũng tốt, cho thu sản lượng cao; trung bình 1 ha cà phê cho sản lượng từ 17 tấn đến 20 tấn quả tươi. Nhờ việc làm của gia đình ông Chinh mà đời sống của bà con ngày càng khởi sắc.
Đinh Yến