Ông chủ người Ấn Độ "biến mất",hơn 300 người truy tìm đòi nợ tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 300 người lao động của Công ty CP đường Bình Định gần 1 năm nay lâm cảnh ‘như rắn mất đầu’, bởi ông chủ người Ấn Độ đột nhiên không thấy đâu, để lại một khoản nợ hàng chục tỷ đồng của họ chưa chịu trả.
Ông chủ ‘lặn mất tăm’
Thời hoàng kim, Công ty CP đường Bình Định nằm tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) được mệnh danh là ‘quả đấm thép’ của ngành mía đường Bình Định, thế nhưng giờ đây doanh nghiệp này đang gánh trên vai khoản nợ rất lớn. Chủ nợ ráo riết truy tìm, đơn thư gởi đến tòa án, cơ quan chức năng vào cuộc, tuy nhiên ông chủ người Ấn Độ của công ty đã âm thầm rời khỏi Việt Nam, bất hợp tác. 
Ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP đường Bình Định, cho biết lãnh đạo công ty đã có thông báo cho toàn thể người lao động tạm nghỉ từ tháng 7/2018. Từ đó đến nay, hơn 300 lao động đang làm việc cho công ty không được trả lương, không được đóng bảo hiểm và trợ cấp thất nghiệp.
“Nhiều lao động tại công ty đang gặp khó khăn nên rất bức xúc. Ông chủ lại không có ở Việt Nam, công đoàn cơ sở và người lao động cũng có đơn kiện chủ công ty đến Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn để đòi quyền lợi”, ông Đồng cho biết.
 
Bên trong Công ty CP đường Bình Định trở nên vắng vẻ, tan hoang.
Theo ông Đồng, tính đến nay công ty còn nợ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp của hơn 300 lao động trên 19 tỷ đồng. Hầu hết người lao động đã gắn bó 22 năm với công ty trở nên khốn đốn, đi không được ở cũng không xong vì rất khó xin được việc làm mới.
Tại trụ sở công ty cũng dán Quyết định cho thi hành án đối với Công ty cổ phần đường Bình Định do ông Nguyễn Văn Viên - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Sơn ký từ tháng 10/2018. Các khoản phải thi hành do công ty này còn nợ ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered với số tiền hơn 131 tỷ đồng. 
“Do công ty vay ngân hàng không trả được nợ nên ngân hàng kiện ra tòa, tòa xử chuyển hồ sơ cho thi hành án niêm phong tài sản.Tuy nhiên, bất hợp lý ông chủ lại là người nước ngoài nên rất nhiều đoàn do Sở Công thương tỉnh Bình Định chủ trì về làm việc để đòi quyền lợi cho người lao động nhưng vẫn không làm gì được”, ông Đồng than thở.
 
Nhiều vật dụng của nhà máy để hoen rỉ vì dừng hoạt động.
Ưu tiên giải quyết cho người lao động
Theo báo cáo của ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định (ngày 24/5), Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh này đã đến Công ty CP đường Bình Định nhưng doanh nghiệp không cử người đại diện hoặc người ủy quyền đại diện làm việc và cũng không nêu lý do vắng mặt. Sự việc bất thường đã gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện kiểm tra.
Trong số hơn 300 người lao động đòi nợ, ở tận Quảng Bình vào tận Bình Định để lập nghiệp, anh Đặng Ngọc Nhuận (46 tuổi) thuộc lớp công nhân đầu tiên làm việc khi Nhà máy Đường Bình Định mới thành lập cũng đang lâm cảnh khốn đốn.
Từ ngày công ty dừng hoạt động, cuộc sống gia đình anh Nhuận trở nên khó khăn. Vợ anh phải ở nhà để lo cho 2 đứa con ăn học, riêng anh là trụ cột gia đình nên phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, kiếm việc lo cho 4 miệng ăn.
“Năm nay, đứa con trai đầu thi vào đại học chi phí càng lớn nên vợ chồng tôi chưa biết tính thế nào. Gần 1 năm, vợ chồng tôi không nhận được một đồng tiền lương, nói gì đến các chế độ bảo hiểm khác. Tôi mong các cơ quan chức năng của tỉnh sớm giải quyết, đòi lại quyền lợi cho công nhân chúng tôi, chứ nói thật lúc này chẳng biết làm thế nào”, anh Nhuận nói lời khẩn cầu.
 
Nhiều người lao động của Công ty CP đường Bình Định đang khốn đốn đi đòi nợ.
Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng vừa có cuộc họp để đưa ra phương án giải quyết vụ việc, gỡ khó cho người lao động.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, TAND huyện Tây Sơn đang thụ lý hồ sơ để giải quyết nhưng do ông chủ người Ấn Độ của công ty lại không có mặt tại Việt Nam khiến việc xét xử gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mới tìm được địa chỉ của họ ở Ấn Độ. Sắp tới, TAND huyện Tây Sơn gửi công văn qua bên đó, nếu gửi 2 lần mà họ vẫn không đến giải quyết thì sẽ tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định pháp luật. Sau đó, tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng có những biện pháp pháp lý tiếp theo để đòi quyền lợi cho người lao động”, ông Châu nhấn mạnh.
Nói về khó khăn của hơn 300 người lao động đang lay lắt vì bị nợ lương, thất nghiệp dài ngày sau khi công ty dừng hoạt động, ông Trần Châu hứa: “UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho các ngành và huyện Tây Sơn ưu tiên giải quyết đời sống cho người lao động. Trong đó, giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định phối hợp với các đơn vị khác xem xét, tạo điều kiện để chi trả BHXH, đào tạo nghề, tạo việc làm mới”.
Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.