Cơ chế "của chung", "trách nhiệm chung" tạo tiền lệ cho nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thiếu trách nhiệm, gây ra gánh nặng nợ nần
Báo cáo tình hình nợ công năm 2018 của Chính phủ gửi tới kỳ họp Quốc hội đang diễn ra cho thấy Quỹ Tích lũy trả nợ đã phải ứng 7,61 triệu euro (tương đương 8,13 triệu USD) trả nợ cho dự án Nhà máy Giấy Phương Nam của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Tuy nhiên, hết năm 2018, Bộ Công Thương và tổng công ty này vẫn chưa xử lý xong tài sản dự án để thu hồi cho quỹ.
Nợ khó đòi
Bên cạnh đó, Quỹ Tích lũy trả nợ cũng phải ứng cho dự án BT Cao tốc La Sơn - Túy Loan của Bộ Giao thông Vận tải 44 triệu USD do vẫn chưa được cấp có thẩm quyền bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ tính đến ngày 31-12-2017, Quỹ Tích lũy trả nợ đã ứng để trả nợ cho các dự án cho vay lại và dự án được Chính phủ bảo lãnh là 17.292 tỉ đồng. Trong đó, ngoài dự án Nhà máy Giấy Phương Nam tiếp tục vay để trả nợ nêu trên, còn có 3 dự án đã quá hạn thanh toán 1.711 tỉ đồng, gồm: Nhà máy Xi măng Hạ Long, Nhà máy Thủy điện Xekaman 3, Nhà máy Xi măng Đồng Bành; 2 dự án thủy điện tại Lào chưa thế chấp tài sản bảo đảm do chưa có cơ chế đối với tài sản tại nước ngoài là Nhà máy Thủy điện Xekaman 1 và Xekaman 3...
Nhận xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ nần bết bát của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cơ chế sở hữu của chung gắn với trách nhiệm chung tạo điều kiện cho lãnh đạo DN quản lý, đầu tư thiếu trách nhiệm, gây ra gánh nặng nợ nần. "Vì sử dụng đồng tiền của nhà nước nên khi đề xuất phê duyệt dự án, không ai đề cập đến rủi ro tiềm ẩn, nguy cơ gây thua lỗ hay nợ nần. Người phê duyệt dự án là lãnh đạo cơ quan nhà nước cũng không tính toán để dự phòng rủi ro từ đầu. Qua nhiều đời lãnh đạo, nhiều dự án, tất yếu khó tránh được khủng hoảng, thua lỗ nặng nề nhưng thời gian gần đây ngân sách nhà nước phải gánh chịu" - bà Phạm Chi Lan nói.
Quỹ Tích lũy trả nợ đã phải ứng 7,61 triệu euro trả nợ cho dự án Nhà máy Giấy Phương Nam. Ảnh: HỒNG MINH
Mạnh dạn cắt bỏ khối u
Gọi những DNNN làm ăn không hiệu quả là khối u nhọt gây ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đề nghị Chính phủ mạnh tay giải quyết dứt điểm, dù cho phải "cắt bỏ". Ông Nghĩa phân tích: "DN thua lỗ phải rời bỏ thị trường là xu thế tất yếu. Do đó, DNNN bị nợ nần, thua lỗ không cứu chữa được thì không nên tiếp tục cứu chữa bằng cách ứng vốn tiếp. Phải bán cho tư nhân để tư nhân tự cứu chữa. Bán không ai mua thì cũng phải bỏ, coi như mạnh dạn cắt khối u, chấp nhận để rút kinh nghiệm thay vì mất mát thêm".
Vị chuyên gia kinh tế từng hoạt động trong Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia còn chỉ ra Chính phủ suốt một thời gian dài duy trì DNNN một cách bất hợp lý, dàn trải ở quá nhiều ngành, lĩnh vực không cần thiết, trong khi thiếu tập trung đầu tư vốn nhà nước vào ngành then chốt. Đây là cách làm đi ngược lại với nhiều nước trên thế giới. "Như Hàn Quốc xây dựng DNNN với chủ ý thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa mạnh ở các lĩnh vực chủ chốt như ôtô, điện tử… Những tập đoàn này làm chủ hoàn toàn công nghệ lắp ráp. Muốn làm được, họ cần có khoản vốn rất lớn, hỗ trợ chính sách rất lớn đi kèm với việc bảo hộ. Nhiều quốc gia tuy không thể hiện quan điểm tồn tại DNNN nhưng Chính phủ hỗ trợ lớn cho DN công nghệ, các ngành rường cột. Chúng ta xây dựng DNNN ở bất cứ ngành nào, kể cả dệt may, da giày, đồ uống, tiêu dùng… mà không mang lại hiệu quả gì. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, thất thoát vốn chung vào tay cá nhân" - ông Nghĩa nhận định.
Từ quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất với tình hình thực tế của Việt Nam, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cổ phần hóa theo hướng bán càng nhiều vốn càng tốt ở những lĩnh vực không cần nhà nước nắm giữ. Ngược lại, tập trung vốn cho các ngành công nghiệp, công nghệ then chốt để có thể nhanh chóng trở thành quốc gia công nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị Chính phủ xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu DNNN gây thua lỗ bằng cách yêu cầu thu hồi lại khoản thất thoát thay vì chỉ "cách chức vụ cũ". Ngoài ra, trong công tác cổ phần hóa, phải làm minh bạch, định giá sòng phẳng, tránh một lần nữa làm mất mát thêm tài sản của nhà nước và người dân.
"Các ngành công ích như điện, giao thông… ở các quốc gia khác đều chuyển giao cho tư nhân thì không lẽ gì những ngành thuần túy thương mại, sản xuất công nghiệp nhẹ như xơ sợi, may mặc… của Việt Nam lại cứ để nhà nước ôm mãi, dẫn đến sống trên đống nợ nần, tạo gánh nặng nợ công" - bà Lan nói.
Không giao thêm dự án Báo cáo của Chính phủ cho thấy nợ công cả nước hiện nay là hơn 3 triệu tỉ đồng, bằng 58,4% GDP và nằm trong mức được Quốc hội cho phép. Tuy kiểm soát được tỉ lệ nợ công so với GDP nhưng Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn đang gánh nhiều áp lực từ các hạng mục đầu tư của nhà nước. Trong tổng số gần 82.681 tỉ đồng số dư của Quỹ Tích lũy trả nợ, có đến gần 23.584 tỉ đồng dư nợ cho ngân sách nhà nước vay, 18.186 tỉ đồng ứng vốn cho dự án bảo lãnh, dự án cho vay lại và khoảng 927 tỉ đồng từ khoản phải thu khác. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng phải kiên định mục tiêu không cho vay nợ mới, giảm tỉ lệ nợ trên GDP thông qua bố trí tìm nguồn đầu tư thay thế. Nếu không gấp rút thực hiện, khi tỉ lệ trả nợ tăng thì áp lực thu - chi sẽ rất nặng nề. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nợ của DNNN gây áp lực lớn cho gánh nặng trả nợ chung vốn đã rất nặng nề. Do đó, ngoài việc nhanh chóng cắt lỗ các dự án nợ nần hiện tại, kiên quyết không phê duyệt thêm bất cứ dự án nào nếu không thuyết trình và chứng minh được hiệu quả thực tế. Ngoài ra, mạnh dạn giao cho tư nhân đảm nhận các dự án đầu tư hoặc có cơ chế nhà nước phối hợp cùng tư nhân. Tất nhiên, nên lưu ý ngăn chặn sớm các biểu hiện lợi dụng để thu lợi từ công ty tư nhân sân sau. |
Phương Nhung (Người Lao động)