Nữ doanh nhân bén duyên với nghiệp truyền cảm hứng cho startup

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa giữ cương vị Phó tổng giám đốc Saigon Food, bà Lê Thị Thanh Lâm còn dành thời gian dạy học và tham gia hoạt động đào tạo khởi nghiệp.

Ấn tượng chung của nhiều người khi lần đầu gặp bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food là phong thái trang nhã, hiện đại và chuyên nghiệp. Nét chuyên nghiệp không chỉ thể hiện qua bộ trang phục, lối trang điểm mà hiện diện trên từng cử chỉ, lời nói. Với vẻ ngoài này, ít ai đoán được bà từng trải qua một tuổi thơ vất vả và rất nhiều trui rèn để có ngày hôm nay.

Người khai phá thị trường thủy sản đông lạnh nội địa

Thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên tại Việt Nam, bà Lâm từng trải qua những ngày tháng gian khổ, giữa lằn ranh của cái chết và sự sống trong chiến tranh. Thuở nhỏ, ba đi cách mạng không làm được giấy khai sinh, mẹ bà từng phải "mượn" khai sinh của người cháu họ đã chết để cho bà đi học.

Tốt nghiệp chuyên ngành Thủy sản Đại học Nông Lâm TP HCM năm 1982, cô kỹ sư Thanh Lâm được ba, lúc ấy là Phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang, gọi về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, với ý chí không dựa dẫm vào cha mẹ, cô quyết định ở lại Sài Gòn cùng chồng xây dựng cuộc sống riêng.

Ngày ra riêng, tài sản của hai vợ chồng chỉ có một thùng gạo, hai cái chén, một cái tô, hai cái đĩa của mẹ cho và một chiếc chiếu, cái mùng do người dì tặng. Đôi vợ chồng ở nhờ trên chuồng cu của nhà người chú, ngày ngày đạp xe mười mấy cây số để đi làm.

"Nghèo đến nỗi có lần đám cưới bạn mời không có nổi tiền mừng, phải bán cả thùng gạo để lấy tiền đi đám cưới đứa bạn thân", bà kể về quảng thời gian vất vả thời son rỗi.

Suốt ba năm đầu sau khi ra trường, bà tập sự với công việc của một công nhân dưới xưởng. Có lần ba bà ghé nhà máy thăm. Thấy con mặc đồ công nhân đi ủng, ông hỏi bà làm gì thì được trả lời "con đang lột tôm". Từ đó, ông hay gọi đùa con gái là "kỹ sư lột tôm". Câu nói đùa này đã trở thành động lực, giúp bà nỗ lực nhiều hơn để trở thành một kỹ sư thực thụ.

Sau thời gian chứng minh năng lực, bà được cất nhắc lên làm trưởng phòng kỹ thuật, trưởng phòng kinh doanh, rồi trợ lý giám đốc, phó giám đốc công ty... Làm thuê với tâm thế làm chủ giúp bà luôn yêu công việc và nỗ lực mỗi ngày vì sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh việc điều hành hoạt động công ty, bà còn đầu tư nghiên cứu đề tài khoa học nhằm tận dụng những phế phẩm của sản phẩm xuất khẩu cho thị trường nội địa và nhận được kinh phí hỗ trợ từ Sở Khoa học Công nghệ TP HCM. Nhưng vì nhiều lý do, đề tài không triển khai được.


 

Ở cái tuổi U60, bà Lê Thị Thanh Lâm vẫn giữ được nét đẹp mặn mà và thanh lịch. Ảnh: NVCC.
Ở cái tuổi U60, bà Lê Thị Thanh Lâm vẫn giữ được nét đẹp mặn mà và thanh lịch. Ảnh: NVCC.



Năm 1998, bà đầu quân cho một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tầm cỡ của TP HCM lúc bấy giờ. Tại đây, bà lại nghiên cứu khoa học, đưa số hàng đông lạnh bị lỗi (như tôm bị gãy đốt) trong quá trình chế biến xuất khẩu lên kệ siêu thị trong nước và nhanh chóng được thị trường đón nhận. Danh mục gần 20 sản phẩm là sự đóng góp của bà Lâm trong việc khai phá thị trường thủy sản đông lạnh nội địa của doanh nghiệp nói riêng và cả nước nói chung vào thời điểm điểm đó.

Việc tận dụng hàng lỗi xuất khẩu để bán tại thị trường nội địa nhắc cô "kỹ sư lột tôm" ngày nào nhớ về câu chuyện trái mận rụng ở quê. Vùng Mỹ Tho quê bà thời đó nổi danh với giống mận hồng đào thơm ngọt. Nhà có vườn mận, đến mùa thu hoạch, bà đi học một buổi, một buổi về phụ mẹ hái mận để chuyển lên Sài Gòn bán. Ngay cả mận rụng cũng phải thu về và chia làm ba loại: loại ít dập nát được lau sơ và bán cho những nhà bên kia sông không có vườn, loại bị chim ăn nửa trái hoặc dập một bên thì cắt bỏ phần hư mang đi phơi để dành ăn dần và loại tệ nhất dành cho cá.

"Hồi nhỏ tôi luôn ấm ức với câu hỏi tại sao nhà mình trồng mận mà không được ăn mận trên cây. Đến khi làm thuỷ sản, tôi lại tự hỏi tại sao đồ ngon chỉ dành cho xuất khẩu, đồ dạt mới để cho thị trường nội địa", bà tâm sự.

Bà Lâm tự xem đó là nỗi đau của người làm thực phẩm Việt Nam và cũng là nỗi đau của cá nhân bà. Sau này, đến khi về phụ trách mảng kinh doanh nội địa của Công ty CP Hải sản S.G (S.G Fisco), tiền thân của Sài Gòn Food ngày nay, bà mới có thể góp phần giải quyết nỗi đau đó.

Trực tiếp phụ trách bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm cho thị trường trong nước của Sài Gòn Food, bà đã dẫn dắt đội ngũ nhân viên đầu tư nghiên cứu sản phẩm từ những nguyên liệu chính phẩm tươi ngon đạt chuẩn theo công nghệ hiện đại. Tại Sài Gòn Food việc quản lý chất lượng sản phẩm giữa xuất khẩu và nội địa là tiêu chuẩn như nhau.

Từ hai dòng sản phẩm ban đầu là hải sản đông lạnh kèm nước dùng lẩu, danh mục các mặt hàng bán trong nước của Sài Gòn Food hiện nay đã vượt con số 200. Nhiều sản phẩm của công ty được người tiêu dùng ưa chuộng là sản phẩm tiên phong, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam, nổi bật là dòng cháo tươi. Bà tự tin "ngân hàng" các sản phẩm đã nghiên cứu, đủ để công ty phát triển đến năm 2022

Doanh thu của công ty năm 2018 gần 1.900 tỷ đồng, trong đó có 30% đóng góp từ mảng kinh doanh nội địa. Mục tiêu của doanh nghiệp là đạt tỷ lệ doanh thu cân bằng 50-50 giữa xuất khẩu và nội địa trong năm 2022

Hiện tại, khi đã "lên chức" bà nội, bà Lâm vẫn miệt mài cùng đội ngũ R&D chinh phục "đỉnh núi" mới - dòng thức ăn chế biến sẵn (ready to eat) để phân phối tại chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. 80/100 mặt hàng thực phẩm ready to eat của chuỗi này tại Việt Nam đang do Saigon Food cung cấp. Thừa nhận đôi bên vẫn đang lỗ, nhưng bà tin thị trường rất khả quan khi chuỗi phát triển lên 500-1.000 cửa hàng trong tương lai.

"Người ta thường nói thành công là nhờ may mắn. Với tôi, may mắn là phép cộng của cơ hội và sự chuẩn bị", bà Lâm đúc kết về quá trình dẫn đến thành công của mình.

Cái duyên với giới trẻ và startup

Bên cạnh tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh, bà Lâm cũng tích cực ghi dấu trong sự nghiệp giáo dục, truyền cảm hứng cho giới trẻ, đặc biệt là giới startup. Nói về cái duyên đến với giới trẻ, bà cho biết đã từng ấp ủ giấc mơ trở thành cô giáo từ ngày còn ngồi trên ghế phổ thông.

Năm 2014, khi đang là thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, bà được mời làm giám khảo chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can và tham gia giao lưu, chia sẻ trải nghiệm thực tế với sinh viên các trường đại học tại TP HCM. Nhờ hoạt động này, bà được mời vào ban chấp hành Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam vào đầu năm 2017. Với dáng vẻ chuyên nghiệp cùng khả năng truyền cảm hứng qua các bài nói, bà được một số trường đại học chú ý và mời về chia sẻ với sinh viên, quanh các đề tài về lập nghiệp, khởi nghiệp và quản trị kinh doanh.

Nhắc đến kỷ niệm với nghiệp giảng, bà như vẫn còn nguyên cảm xúc khi lần đầu bước lên bục giảng của Đại học Nông Lâm - ngôi trường bà đã theo học niên khoá 1978-1982 và nơi bà gặp được người thầy đã dìu dắt suốt những năm khó khăn đến khi ra trường, trở thành doanh nhân. Cuối buổi nói chuyện, một sinh viên đặt câu hỏi: "Khi trở về trường cũ, điều gì làm cô hạnh phúc nhất?" Bà lập tức trả lời: "Hạnh phúc nhất với tôi lúc này là được làm tiếp, làm thay công việc của một người thầy đã mãi mãi ra đi quá sớm". Câu trả lời khiến cả hội trường như lặng đi trong chốc lát.

Với bà, việc đứng trên bục giảng không chỉ là hiện thực hoá ước mơ từ gần 40 năm trước, mà còn là tâm huyết được thay chồng - người thầy thời đại học - không may vắng số, tiếp tục sự nghiệp "đưa đò".

"Giây phút đó tôi chợt hiểu thêm về bản thân  mình. Tôi hiểu vì sao tôi cảm thấy yêu và gắn bó với nghề giáo nhiều đến thế! Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên được", bà chia sẻ.


 

Bà Lâm trong buổi trao giải thưởng Lương Văn Can năm 2018. Ảnh: NVCC.
Bà Lâm trong buổi trao giải thưởng Lương Văn Can năm 2018. Ảnh: NVCC.



Hiện tại, ngoài tham gia các buổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng với sinh viên các trường hoặc các hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp do Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam tổ chức, bà còn nhận làm cố vấn (mentor) cho nhiều bạn trẻ. Không chỉ tư vấn các vấn đề liên quan đến công việc, sự nghiệp, bà còn hướng dẫn các bạn kỹ năng sống và tìm ra mục tiêu của cuộc đời.

Vừa qua, bà Lâm góp phần xây dựng Câu lạc bộ Cố vấn (Mentoring Club) cho Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam. Bản thân bà là trưởng ban điều hành câu lạc bộ, phụ trách mảng đào tạo mentor. Cuối năm 2017, bà còn ra mắt quyển sách "Người thả diều", kể lại 25 câu chuyện cũng là 25 triết lý kinh doanh, triết lý sống mà bà đã chiêm nghiệm.

Riêng tại Sài Gòn Food, nữ lãnh đạo cũng đóng vai trò như một người thầy, một mentor lớn. Bà thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo tại chỗ cho công nhân viên, mời giảng viên các trường đại học, chuyên gia đào tạo hoặc chính bà đứng lớp. Chương trình được sự hưởng ứng rất tích cực của nhân viên công ty. Nhiều người đặc biệt thích tham gia các lớp do bà trực tiếp giảng dạy.

Vài năm nay, bà còn xây dựng chương trình "Học kỳ doanh nghiệp" - tạo điều kiện cho sinh viên năm 3, năm 4 các trường đến thực tập thực tế tại Sài Gòn Food. Hoạt động này không những là một cách bà đóng góp cho cộng đồng, nhằm tạo môi trường trải nghiệm cho sinh viên trước khi rời ghế nhà trường mà còn là một cách đào tạo thế hệ nhân viên kế thừa cho công ty.

Ở tuổi của bà, khi nhiều người chọn cách nghỉ hưu để tận hưởng thành quả lao động suốt một đời, nữ doanh nhân vẫn bận rộn trong vai trò một người quản lý doanh nghiệp, người thầy, người cố vấn cho giới trẻ. Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy mệt mỏi, bà cho biết, trách nhiệm là cái hữu hạn vì người ta có thể đánh giá hoàn thành hay không, còn đam mê là vô hạn.

"Việc gia đình, việc công ty, kể cả những hoạt động cộng đồng như truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, với tôi, là niềm vui, niềm đam mê nên chưa bao giờ nghĩ đó là gánh nặng. Không phải gánh nặng nên không quá tải. Tôi chỉ tiếc sao mình có ít thời gian quá, tại sao một ngày chỉ có 24 giờ. Ước gì tôi có nhiều thời gian hơn, có thể ngủ ít hơn mà vẫn khỏe mạnh để làm được nhiều việc đam mê, yêu thích", bà bộc bạch.

Như con tằm lặng lẽ nhả đến từng sợi tơ cuối cùng, bà chưa bao giờ đong đếm xem kết quả từ những nỗ lực của mình là gì. Niềm vui của bà từ công việc này đơn giản đến từ những bó hoa, những lời chúc nhân ngày 20/11 của các sinh viên, các bạn được cố vấn (mentee); những lá thư tay, email và tin nhắn thăm hỏi từ nhân viên công ty, có cả những người nghỉ việc đã lâu; hoặc có khi là món quà nhỏ từ một bạn trẻ ở tỉnh xa gửi về để chia sẻ niềm vui sau khi đọc quyển sách "Người thả diều"...

"Có một định nghĩa rất hay về hạnh phúc mà tôi rất tâm đắc 'Hạnh phúc là sáng thích đi làm, chiều thích về nhà'. Tôi bổ sung thêm 'tối được ngủ ngon'. Hạnh phúc rất đơn giản và bình dị như vậy đó. Bao nhiêu đó thôi là quá đủ để tôi thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng, thấy mình còn làm chưa đủ và cố nỗ lực làm nhiều hơn nữa", bà chia sẻ.

Ánh Thúy (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.