Ông Hội tỏ ra bức xúc về công tác quản lý- bảo vệ rừng ở địa phương. Ông cho biết, huyện có 43 km đường biên giới, với 90 ngàn ha đất rừng tự nhiên, tiếp giáp với huyện Ea Suop (tỉnh Đak Lak), đường sá hiện nay rất thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng có hàng chục vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Theo kế hoạch của tỉnh, trên địa bàn huyện Chư Prông sẽ chuyển đổi 20 ngàn ha rừng nghèo sang trồng cao su (riêng năm nay sẽ chuyển đổi 11 ngàn ha) và từ nay đến 2015 sẽ chuyển đổi 12 ngàn ha để xây dựng công trình thủy lợi.
Một số doanh nghiệp đăng ký mua gỗ trên vùng rừng chuyển đổi, nhưng khi vào thực tế thì lượng gỗ không đúng như dự kiến, nên đã tranh thủ cắt “chôm chỉa” của nhau. Cụ thể như vừa rồi đã xảy ra tình trạng cắt gỗ ở nơi khác kéo về khu tái định canh Ia Mơr, bị cơ quan chức năng phát hiện.
Lợi dụng chủ trương này, dân di cư tự do bắt đầu kéo đến, càng thêm tính phức tạp ở địa phương, trong đó cơ quan chức năng đã phát hiện 10 hộ từ phía Bắc chuyển vào. Những hộ này vừa trực tiếp phá rừng vừa xúi giục người dân địa phương phá rừng để mua lại, cơ quan chức năng đã xử lý được 5 hộ, trục xuất ra khỏi địa bàn. Ngày 29-3, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 6 vụ xí phần đất rừng để làm nương rẫy.
Cũng liên quan đến việc thu mua gỗ trong quá trình chuyển đổi rừng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: Năm 2008, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch đã bán gỗ tận thu cho 2 đơn vị, với khoảng 1.200 m3, nhưng đến nay đã 3 năm, lượng gỗ khổng lồ này vẫn đang nằm trên khu vực đất của Công ty cổ phần Hoàng Anh- Gia Lai, mặc mưa nắng hủy hoại, gây lãng phí rất lớn.