Nông trường, những mùa hoa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi là những đứa trẻ sinh ra ở đây, giữa nông trường bạt ngàn lúa, bạt ngàn cà phê và bạt ngàn hoa. Chúng tôi lớn lên theo từng mùa hoa. Sắp Tết, dã quỳ vàng rựng hai bên lối đi, bên bờ ruộng, ven rẫy cà phê. Khi ấy, cà phê đã thu hoạch xong xuôi đâu đấy, nhà nào cũng nhộn nhịp, vui vẻ. Cả nông trường rộn rã, nhất là những năm được mùa được giá. Chúng tôi đón tết trong không khí se lạnh, gió từ phía núi thổi bạt về trên hàng cây chắn gió bên nương rẫy. Năm nào càng nhiều gió, dã quỳ càng vàng đượm. Lũ nhỏ chúng tôi chơi trốn tìm trong khóm cây ven đường, thấy hoa quỳ nở thì chạy về hỏi mẹ được mấy ngày nữa thì hết tết!
 

 Trắng ngần hoa cà phê. Ảnh: (Internet)
Trắng ngần hoa cà phê. Ảnh: (Internet)

Rồi tết qua, ba mẹ, bà con cô bác lại cặm cụi với nương rẫy của mình. Chúng tôi chăm chỉ đến lớp đến trường. Bỗng một ngày, bất ngờ cả đoạn đường dài từ nhà đến trường, qua những vạt rẫy cà phê, chìm trong một mùi hương nồng nàn. Lũ học trò chúng tôi nhanh chóng nhận ra: Hoa cà phê đã nở!

Tôi cam đoan rằng, không thể có một loài hoa nào ngọt ngào hơn hương hoa cà phê. Không gian như được ướp hương, đặc quánh lại. Được tưới nước đúng thời điểm, hàng triệu triệu búp hoa âm thầm hẹn ước với nhau đồng loạt nở bung vào đúng một thời khắc, trắng tinh khôi! Nhìn từ xa, cả quả đồi cà phê như vừa được choàng lên một chiếc dù màu trắng tẩm hương ngọc ngà. Chúng tôi đi trong mùi hương ấy, lớn lên mỗi ngày.

Trường cấp III xa hơn, nằm bên ngoài trung tâm, đi qua một quãng đường ngập nắng. Khi chúng tôi vào lớp 10 thì hai hàng tràm bên đường đã vươn cao, đủ để che nắng. Chúng tôi đạp xe dưới bóng cây mát nhưng ít đứa nào để ý ngó lên một lần để xem hoa tràm nở như thế nào, bao lâu mới tàn! Chỉ biết, trong câu chuyện bất tận về bạn bè, thầy cô, cả về tình yêu vừa chớm, đều có mùi hương tràm dịu như mật ngọt xen vào. Cơn gió ào qua, tung lên trời xanh những đốm vàng lấm tấm như cánh bướm mùa xuân.

Có những mùa mưa kéo dài như nỗi nhớ đầu đời. Chúng tôi chia tay trường lớp, về nghỉ hè với gia đình, tham gia công việc đồng áng, nương rẫy. Lũ chúng tôi chân tay lóng ngóng, đảm đương những phần việc vặt, ít nặng nhọc, chỉ cần chăm chỉ, nhẹ tay. Tôi đi gom nhặt phân bò để đóng bầu ươm cây giống. Cặm cụi làm việc, tôi quên khuấy đi mất những mùa hoa đang đi qua trên nông trường thân yêu của mình. Dọc con đường chạy từ trong thôn ra hồ nước, là một rặng muồng hoa vàng, uốn cong như một vương miện kết bằng hoa trên ngọn đồi xanh mượt.

Cây muồng trồng để chắn gió cho cây cà phê, trồng thêm dây hồ tiêu dưới gốc, cây trở thành một trụ hồ tiêu sống, vô cùng tiện lợi. Mùa mưa, những hàng muồng thân thuộc đội trên đầu những vương miện màu vàng xao xuyến. Nhìn từ xa, cả một quả đồi vàng rực rỡ trong nắng cao nguyên mật ngọt. Dọc những con đường giữa các rẫy cà phê được rắc đầy một lớp cánh hoa li ti.

Rồi chợt sang thu. Chúng tôi sắm sửa sách vở trở lại trường với niềm vui bè bạn tuổi học trò. Hai bên bờ ruộng bạc trắng cỏ hoa may. Những bông cỏ may đã găm sẵn trong ký ức tuổi thơ tôi như một lời yêu thương không thể nào quên được. Tôi trốn mẹ đi bắt cào cào bờ ruộng buổi trưa vào một ngày nào đó tuổi thơ xa lắc, khi về, quần găm chật kín hoa may. Bây giờ, áo dài trắng tinh khôi mỗi sáng đến trường, vẫn mong trở lại một buổi trưa mùa thu bàng bạc nắng, lội ngoài bờ ruộng cỏ hoa may, để những bông cỏ li ti găm vào nỗi nhớ…

Rồi dã quỳ lại lấp ló ven đường báo hiệu mùa khô về lại. Cứ thế, chúng tôi đếm thời gian bằng những mùa hoa. Sau mỗi chu kỳ, chúng tôi lại thêm tuổi mới, trưởng thành, khôn lớn. Mẹ nói: “Các con là thế hệ thứ 3 ở nông trường ta”. Thế hệ thứ nhất là bà ngoại, những người lính trẻ măng đặt chân vào chốn rừng thiêng nước độc khai phá đồi hoang rừng rậm. Ngày đó cách đây gần 40 năm. Thế hệ thứ 2 là mẹ và bố, những đứa con sinh ra trong những căn nhà tập thể vách gỗ của nông trường. Chúng tôi, thế hệ thứ 3, được nuôi nấng trong một cuộc sống đủ đầy hơn. Nhà cửa khang trang, đường sá phẳng lỳ, trường lớp đàng hoàng. Gian khổ cùng cực đã lùi vào quá khứ. Vì vậy, tôi không còn phải đếm thời gian  bằng mùa mưa mùa nắng, mùa thiếu gạo thiếu nước, tôi đếm thời gian bằng những mùa hoa…

Bất ngờ, một hôm nào đó, mẹ nói: “Các con cũng là những bông hoa!”. Thực ra tôi chưa hề nghĩ tới, tôi đang bận đếm màu sắc của những bông hoa mà quên rằng, con người thực ra cũng là một loài hoa. Chúng tôi là thế hệ tương lai, sẽ tiếp nối bước chân ông cha để xây dựng nông trường này ngày càng giàu đẹp. Những người đi trước, đang nhìn chúng tôi với vẻ đẹp thanh xuân để trao gửi niềm tin và hy vọng. Một ngày nào đó, chúng tôi nở bừng rạng rỡ, rồi kết thành trái ngọt, tô điểm cho nông trường thân yêu của mình.   

Tôi lại mơ về những mùa hoa…

 Khánh Hạ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.