(GLO)- Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn có nguyên nhân từ thói quen sinh hoạt, sản xuất thiếu ý thức của người dân. Vì thế, các cấp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, thay đổi hành vi của nông dân để cùng tham gia bảo vệ môi trường (BVMT).
Giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn
Đầu tháng 3-2020, tại làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh), Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt” với 30 hộ tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 thùng đựng rác 2 ngăn và được hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải. Ngoài ra, Hội còn triển khai mô hình “Xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh”. Theo đó, 27 hộ tham gia sẽ được hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng trại và tập huấn cách vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải.
Ông Rơ Châm Dyíu chia sẻ: “Được hỗ trợ vật liệu, mình làm lại chuồng bò và đào hố thu gom chất thải nên không còn tình trạng chất thải chảy tràn ra vườn mỗi khi trời mưa. Mình cũng biết sử dụng trấu để ủ phân bón nên đã cải thiện được mùi hôi”. Trong khi đó, ông Rơ Châm Diệu thì cho hay: “Từ ngày tham gia mô hình, mình không vứt rác bừa bãi ra sau vườn nữa mà phân loại rồi thu gom để đưa đi xử lý. Nhờ đó, nhà cửa, sân vườn sạch sẽ hơn”.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn các hộ dân cách phân loại rác thải. Ảnh: Hồng Thương |
Tại huyện Đak Pơ, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được 10 mô hình “Nông dân tham gia BVMT nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu” với trên 800 hộ là thành viên. Đều đặn mỗi tháng 2 ngày, các chi hội đồng loạt tổ chức tổng dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm và phân loại, xử lý rác thải bằng hình thức đào hố thu gom và đốt. Hoạt động này đã góp phần nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của nông dân trong việc BVMT nông thôn, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đình Nhỏ-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Pơ-cho hay: Bên cạnh xây dựng các mô hình BVMT, Hội Nông dân các cấp trong huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, chăn nuôi có chuồng trại. Đến nay, toàn huyện có hơn 80% hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Gắn sản xuất với BVMT
Ông Ksor Nhan-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Pa-cho biết: Hội Nông dân huyện đã xây dựng các mô hình “Nông dân tham gia BVMT nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu” để nâng cao ý thức BVMT cho bà con nông dân. Theo đó, ngoài vận động hội viên thu gom rác hữu cơ làm phân bón hoặc thu gom, xử lý túi ni lông, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, Hội cũng phối hợp triển khai làm điểm và vận động nông dân chủ động xây dựng một số mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như: trồng rau ngót sử dụng béc tưới tiết kiệm tại xã Ia Trok trên diện tích 20 ha; trồng mì cao sản sử dụng béc tưới tiết kiệm của 27 hộ dân xã Pờ Tó…
Anh Ksor Uyn (buôn Biah A) là người đầu tiên của xã Ia Tul sử dụng hệ thống béc tưới cho 3 ha mì cao sản của gia đình. Anh Uyn cho hay: “Để có nước tưới, tôi đào hố rồi dẫn nước từ kênh mương thủy lợi của Hợp tác xã Thủy lợi Ia Tul về để không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Đồng thời, tôi sử dụng béc tưới nên nguồn nước được sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Cây mì được tưới nước thường xuyên nên cho năng suất cao. Hiện có 3 hộ lân cận cũng áp dụng hệ thống tưới béc, phun mưa như tôi để thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, góp phần bảo vệ mạch nước ngầm cũng như nâng cao năng suất cây trồng”.
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Phú Thiện cũng triển khai nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức BVMT trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho hay: Hội tập trung vào công tác tập huấn để hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình ICM, IPM, VietGAP, “1 phải, 5 giảm”, “3 tăng, 3 giảm”. Sau các buổi tuyên truyền, tập huấn, nhiều hộ dân đã sản xuất theo hướng an toàn, đúng quy trình nhằm giảm lượng phân bón cũng như chi phí đầu vào và không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, từ năm 2019 đến nay, 220 cơ sở Hội đã xây dựng được 222 mô hình “Nông dân tham gia BVMT nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đồng thời, Hội cũng đã hỗ trợ và vận động xây dựng trên 8.700 nhà tiêu hợp vệ sinh; giúp đỡ hàng trăm hộ di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn.
Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình BVMT nhằm từng bước hình thành thói quen thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thu gom bao bì đựng thuốc bảo vệ sau sử dụng để làm sạch đồng ruộng, nương rẫy và áp dụng các hình thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần BVMT.
HỒNG THƯƠNG