(GLO)- Từ năm 2011 đến nay, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) trên địa bàn huyện Ia Pa đã có những hoạt động thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế của người dân các xã được hưởng lợi, thu hút nhiều người tham gia vào các hợp phần, góp phần mang lại sự thành công.
Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã tham gia dự án giảm theo từng năm. |
Cũng như các huyện: Kông Chro, Kbang, Krông Pa và Đak Đoa, huyện Ia Pa được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện tại các xã: Ia Kdăm, Ia Tul, Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân và Chư Mố. Mục tiêu của dự án là cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngay từ khi bước vào thực hiện dự án, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện xác định, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân, nhưng phần lớn phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường nên đời sống vẫn còn bấp bênh, chưa cải thiện được nhiều. Để các hợp phần của dự án sớm đi vào thực tiễn, phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân ở các thôn, làng, Ban phối với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân học tập, ứng dụng. Bên cạnh đó, Ban đã tổ chức các hội thảo liên kết ngành hàng giúp các nhóm chung sở thích tiếp cận liên kết với các doanh nghiệp, đại lý trong việc cung cấp vật tư kịp thời cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Cùng với các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, việc triển khai các quỹ của dự án như: quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), quỹ quay vòng vật tư, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển và quỹ phát triển cộng đồng (CDF) đã đưa vào sử dụng 35/36 công trình cơ sở hạ tầng như: đường nội thôn, nội đồng, đường vào khu sản xuất, hệ thống kênh mương… với 15.242 hộ được hưởng lợi. Đặc biệt, nhóm chung sở thích (CIG) thu hút được nhiều người tham gia chuỗi giá hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ. Tính đến nay, các xã đã thành lập được 122/92 nhóm, đạt 132,6% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, có 39 nhóm trồng mì, 31 nhóm nuôi bò, 20 nhóm nuôi dê, 20 nhóm nuôi heo, 10 nhóm trồng lúa… với 1.311 hộ tham gia (894 hộ nghèo và cận nghèo, 1.032 hộ đồng bào dân tộc thiểu số).
Ông Nguyễn Văn Út-nhóm chung sở thích trồng mì xã Pờ Tó cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm 20 hộ trồng mì từ nhiều năm nay với diện tích 75 ha. Năm 2014, nhóm thành lập và đi vào hoạt động. Trước đây, mỗi khi đến vụ thu hoạch, đầu ra của cây mì gặp rất nhiều bất lợi do bị tư thương ép giá. Từ khi được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn hỗ trợ, bà con rất yên tâm sản xuất. Ngoài việc tìm nơi tiêu thụ ổn định, gia đình tôi chủ động mua lại của nhóm với mức giá cao hơn thương lái 500-700 đồng/kg mì tươi nên bà con rất ủng hộ. Hiệu quả dự án mang lại rất lớn, giúp nhóm chúng tôi có máy móc làm đất, thu hoạch… năng suất và sản lượng mì cũng tăng lên rất nhiều.
Theo Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Ia Pa, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã tham gia dự án giảm theo từng năm. Số hộ hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động hỗ trợ của dự án là 4.994 hộ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 2.784 hộ, hộ nghèo là 1.925 hộ và cận nghèo là 695 hộ. Thu nhập của các hộ gia đình tham gia dự án tăng 25% so với trước đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Hồng Tuấn-Phó Trưởng ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Ia Pa cho hay: Dự án IFAD thực hiện tại 6 xã với 49/76 thôn, làng của huyện được hưởng lợi đang phát huy hiệu quả rất tốt, thu hút được nhiều người dân cùng tham gia, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những điểm nổi bật của dự án là người dân cùng tham gia góp vốn đối ứng để nâng cao trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng được chuỗi giá trị cây mì làm cây trồng chủ lực của huyện. Thực tế, dự án góp phần rất lớn vào công cuộc giảm nghèo của huyện, nhất là các xã tham gia thực hiện.
Nguyễn Diệp