Đây là sự đòi hỏi cần thiết, chính đáng của xã hội đối với hành vi không khai báo y tế, dịch tễ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco).
Ông Thanh cùng vợ được cơ quan có thẩm quyền ngành y tế xác định dương tính với SARS-CoV-2. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua, vợ chồng ông Thanh đi du lịch Đà Nẵng. Song, khi về Hà Nội, họ không khai báo y tế, bất chấp việc chính quyền TP nhiều lần có công điện yêu cầu mọi người dân khi trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30-4 bắt buộc phải khai báo y tế qua phần mềm hoặc khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú.
Với chức trách của một cán bộ, đảng viên giữ chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước, lẽ ra ông Thanh phải thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch theo chủ trương của Chính phủ và TP Hà Nội. Thế nhưng, khi có biểu hiện bị nhiễm bệnh Covid-19, ông Thanh và vợ không khai báo dịch tễ theo quy định và yêu cầu của địa phương.
Đã vậy, khi có biểu hiện dịch tễ như ho, sốt, đau họng, ông Thanh vẫn tham gia liên hoan, ăn uống đông người. Hậu quả là 150 người trở thành F1, trong đó có người đã nhiễm và trở thành bệnh nhân Covid-19 (F0), hàng ngàn người khác bị cách ly y tế.
Với người có địa vị, trình độ nhận thức như vợ chồng ông Thanh thì không thể nói rằng hành vi của họ là vô ý hoặc không nhận thức được khả năng làm lây lan dịch bệnh khi các yếu tố dịch tễ đều thể hiện việc họ có dấu hiệu nhiễm bệnh cao (ho, sốt, rát họng). Điều này còn được chứng minh qua việc vợ chồng họ đi khám bệnh tại một bệnh viện và đã được hướng dẫn khai báo y tế khi bệnh viện nghi ngờ họ mắc bệnh.
Hành vi của vợ chồng ông Thanh đã có dấu hiệu của tội ‘‘Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’, theo điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo tội danh này, người bị buộc tội có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 50 triệu đồng; hoặc bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất 12 năm.
Trước đó, một số trường hợp có hành vi tương tự ông Thanh đã bị khởi tố, xét xử. Điều đáng nói là hành vi của vợ chồng ông Thanh xảy ra trong lúc cả nước đang gồng mình chống chọi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải gồng mình chống dịch. Ông Thanh với vai trò của một đảng viên, cán bộ có chức vụ tại một doanh nghiệp nhà nước lẽ ra phải gương mẫu, chấp hành đúng khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch thì hành xử ngược lại và gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Đó là lý do vì sao dư luận xã hội bức xúc, yêu cầu phải xử lý hình sự vợ chồng ông này.
Trước đó, vào ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo hướng dẫn tại mục 1.1 của Công văn 45, "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" được quy định theo điểm c, khoản 4 điều 240. Cụ thể, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng thực hiện một trong các hành vi như: không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người".
Như vậy, về cơ sở pháp lý, chúng tôi cho rằng đã đủ để xử lý hình sự đối với trường hợp của vợ chồng giám đốc mắc Covid-19 nhưng trốn tránh, khai báo y tế không trung thực. Vì vậy, các cơ quan tố tụng TP. Hà Nội cần khởi tố vụ án để thực hiện quy trình tố tụng đối với vợ chồng ông Thanh. Trong tình hình dịch Covid-19 đang còn diễn biến hết sức phức tạp và có khả năng lây lan ra cả nước thì việc sớm khởi tố vụ án đối với trường hợp vợ chồng ông Thanh là hết sức cần thiết, nhằm xử lý kịp thời và răn đe các trường hợp khác.
Theo Lâm Hoàng (NLĐO)