(GLO)- Chưa bao giờ việc thăm Tết, chúc Tết của cấp dưới đối với cấp trên lại được nhắc đến nhiều, sôi nổi như năm nay. Bắt đầu từ người đứng đầu Chính phủ dõng dạc tuyên bố: Năm nay, các địa phương không ra Trung ương chúc Tết, các tỉnh không về Hà Nội thăm Tết Chính phủ và các bộ ngành. Tiếp đến, ngày 20-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017. Ngay sau đó, Tỉnh ủy Gia Lai cũng đã có Công văn số 726-CV/TU về việc thực hiện nghiêm một số nội dung của Chỉ thị 11-CT/TW liên quan đến Tết Đinh Dậu.
Thăm và tặng quà tết các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Theo Chỉ thị số 11-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số công tác, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương. Thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội…”.
Không biết tự bao giờ, việc tặng quà cáp dịp Tết đã thành lệ và ngày càng nặng nề. Người dân thủ đô Hà Nội và gần nhà các quan chức biết rõ điều đó. Vào dịp cuối năm, các cơ quan, ban ngành cả nước đổ về Trung ương để chúc Tết, đường sá Hà Nội vốn chật hẹp thêm quá tải. Không ai rõ quà Tết có gì, phong bì phong bao, sản vật địa phương thế nào, chỉ người trao và người nhận biết điều đó. Cảm ơn nhau có, cầu cạnh, hối lộ cũng có thể lắm. Đối với đất nước còn nặng cơ chế “xin cho” như Việt Nam, quà Tết, cảm ơn dịp Tết còn là sự gởi gắm niềm tin vào sự quan tâm, ủng hộ giúp đỡ không chỉ với những gì đã qua mà còn hàm nghĩa sắp đến. Dưới danh nghĩa thăm Tết, chúc Tết, người nhận cũng khó từ chối.
Ở cấp tỉnh, cứ đến gần Tết, các cơ quan cấp trên đến thăm và chúc Tết địa phương cấp dưới, rồi cấp dưới chúc Tết cấp trên. Chuyện quà cáp tốn kém thế nào không ai thống kê được, nhưng tốn kém thời gian thì quá rõ. Năm nay, tỉnh ta cũng thực hiện rất nghiêm việc này. Các địa phương vui vẻ phấn khởi mà lãnh đạo tỉnh cũng đỡ lăn tăn, áy náy khi đến được cơ quan, địa phương này còn đơn vị, địa phương kia không chúc Tết được. Ngược lại, các đơn vị, địa phương cũng đỡ mất thời gian cử người đón khách, đỡ so bì, tủi hổ vì sao lãnh đạo quan tâm cơ quan này mà lại không chú ý đến mình.
Thêm thay đổi trong những ngày Tết được nhiều người hưởng ứng là ngày đầu năm các cơ quan kéo nhau chúc Tết. Sáng mùng một Tết, lãnh đạo cơ quan triệu tập nhân viên, xe cộ đi từ cơ quan nọ đến cơ quan kia, chúc tụng nhau, bằng đó câu, bằng đó chuyện. Có người bảo phải uống tầm 40 ly rượu vào sáng mùng một vì đón khách chúc tụng! Bởi khách đến thì phải nâng ly chúc qua chúc lại, không uống không được.
Cái lệ đầu năm cơ quan tập trung nhân viên lại để chúc Tết cũng được bãi bỏ. Thường là ngày làm việc đầu năm, lãnh đạo tập trung nhân viên để thăm hỏi và chúc Tết, xong, các phòng, ban về chúc nhau, rồi kéo đến từng nhà, ăn uống vui chơi. Ba ngày Xuân, bảy ngày Tết, tháng Giêng là tháng ăn chơi, lễ hội; mất đứt hết thời gian chăm lo công việc. Năm nay, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng nói rõ, các cơ quan đầu năm không được họp mặt chúc Tết mà bắt tay ngay vào làm việc.
Sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến các tỉnh đã thể hiện quyết tâm của Đảng ta về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn tham nhũng, đẩy lùi hình thức, chú trọng thực chất công việc. Tiết kiệm được việc khoa trương, hình thức, lễ lạt dịp Tết là tiết kiệm hao phí xã hội hàng ngàn tỷ đồng. Những áp lực tàu xe đi lại dịp Tết giảm đồng nghĩa với những rủi ro, tai nạn cũng hạn chế. Chúng ta đang hòa nhập với thế giới, hòa vào xu thế văn minh thời đại, đẩy lùi những nghi lễ hình thức, xóa dần những hao phí xã hội không cần thiết thì những lễ nghi dịp Tết cần được tổ chức gọn nhẹ. Làm thế nào vẫn giữ được ý nghĩa của Tết cổ truyền vừa tiết kiệm, khiến cho cái Tết trở nên nhẹ nhàng, thanh thản đối với tất cả mọi người là việc hết sức cần.
Nhật Cường