Nỗi khổ khi nước sinh hoạt bị nhiễm phèn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cứ vào dịp mùa khô, hàng nghìn hộ dân khu vực thị trấn Liên Sơn và vùng lân cận trên địa bàn huyện Lắk lại phải bỏ tiền triệu để mua nước sinh hoạt sử dụng hằng ngày.
Quan sát thực tế cho thấy, những giếng đào, giếng khoan của các hộ dân khu vực thị trấn Liên Sơn bị nhiễm phèn nặng đều có đặc điểm: nước bơm lên có màu trong, sau khoảng từ 3 - 5 phút bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt, để càng lâu thì biến thành màu vàng đục. Tất cả dụng cụ chứa nước nhiễm phèn đều bị nhuộm thành màu vàng sẫm sau một thời gian sử dụng. Theo kinh nghiệm của các hộ dân ở đây, để nhận biết nguồn nước bị nhiễm phèn, chỉ cần lấy ít nước trà xanh đổ vào thì ngay lập tức nước chuyển thành màu đen ngòm, chỉ cần nhìn vào nước đó thì không ai dám sử dụng, chấp nhận mua nước sạch dù chi phí đắt đỏ.
 
Nước giếng của hộ bà Mai Thị Thu Trang (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) khi múc lên có màu vàng đục.
Nước giếng của hộ bà Mai Thị Thu Trang (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) khi múc lên có màu vàng đục.
Từ TP. Buôn Ma Thuột chuyển đến huyện Lắk sinh sống được khoảng 10 năm nay, nhưng năm nào gia đình ông Bùi Viết Trung (tổ dân phố Hòa Thắng, thị trấn Liên Sơn) cũng phải mất tiền triệu để mua nước sinh hoạt từ nơi khác về dùng. Ông Trung cho hay, nhà chỉ có 3 nhân khẩu, gồm vợ chồng ông và con trai, nhưng vào những tháng cao điểm mùa khô, nhà ông phải mua từ 10 - 12 bồn nước loại 1.000 lít, với giá 150 nghìn đồng/bồn. Nước sinh hoạt này được mua từ những người đi vận chuyển mua lại từ các hộ có giếng nước ở khu vực không nhiễm phèn rồi bán lại chứ không phải nước máy nên ông Trung chỉ dám dùng để tắm giặt, còn nước ăn uống hằng ngày phải mua bình đóng sẵn loại 20 lít. Mất tiền đã đành, vào những ngày cao điểm, nhiều hộ sợ giếng khô nên không bán nước sinh hoạt, gia đình ông phải chấp nhận sử dụng nước nhiễm phèn lọc qua bể cát.
Trong khi đó, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, hộ bà Mai Thị Thu Trang (cũng tổ dân phố Hòa Thắng) đã sử dụng xe của gia đình đến nhà bà con, bạn bè để chở nước. Trung bình, mỗi tháng gia đình bà dùng hết 10 bồn loại 1.000 lít, chi phí hết khoảng 1 triệu đồng. Bà Trang chia sẻ, nhà có nước giếng khoan, nhưng bị nhiễm phèn nặng nên chỉ để tưới cây, lau dọn nhà cửa, còn giặt giũ áo quần phải sử dụng nước mua. Nhà bà phải dành một khu đất rộng để làm nơi bỏ các vật dụng đựng nước dự trữ, phòng lúc bận rộn không đi chở được.
Gia đình chị Trương Thị Hiệu (tổ dân phố Hòa Thắng) có đến hai giếng khoan và một giếng đào, nhưng cứ tầm thời gian từ qua Tết âm lịch hằng năm, trung bình mỗi tháng nhà chị phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng mua nước về dùng. Nước giếng dù được lọc qua cát trong vắt, nhưng chị vẫn không yên tâm về chất lượng nên chỉ dùng để tưới, rửa rau. Mùa mưa, để tiết kiệm chi phí, gia đình chị Hiệu tận dụng nước mưa dự trữ ở các bồn chứa, còn mùa khô thì chấp nhận mất tiền triệu mỗi tháng để mua nước sinh hoạt.
 
Nước nhiễm phèn pha với nước trà loãng cho ra màu đen sì.
Nước nhiễm phèn pha với nước trà loãng cho ra màu đen sì.
UBND huyện Lắk cho biết, năm 1998 thị trấn Liên Sơn có một công trình cấp nước, với quy mô nhỏ, được đầu tư bằng nguồn vốn Danida (của Chính phủ Đan Mạch), giai đoạn năm 2007 - 2010. Đến năm 2010 thì công trình này ngừng hoạt động, dẫn tới hàng trăm hộ dân cùng chung cảnh ngộ thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, thậm chí cả mùa mưa. Nguyên nhân do nguồn nước khai thác chứa nhiều hàm lượng sắt (Fe2+ và Fe3+) dẫn đến công nghệ xử lý tốn kém, khiến số hộ sử dụng ít và giảm dần về sau này. Kinh phí hoạt động của dự án không đủ để chi trả cho công tác vận hành; cùng với đó công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên không được chú trọng nên phải dừng hoạt động. Hiện nay, thị trấn Liên Sơn chỉ có một công trình cấp nước sinh hoạt do Công ty TNHH Xây dựng và Môi trường đô thị Đại Lộc quản lý, cung cấp nước cho khoảng 300 hộ dân (chưa được 25% số hộ dân trên địa bàn thị trấn), quy mô khoảng 3.000 m3/tháng, khoảng 50 lít nước/người/ngày đêm, trong khi tiêu chuẩn là 80 lít nước/người/ngày đêm. Công trình này đã đưa vào sử dụng gần 30 năm nên máy móc vận hành lỗi thời, không thể đáp ứng việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lắk cho biết, trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện hiện nay, mới đây UBND huyện đã đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực thị trấn Liên Sơn, xã Đắk Liêng và Đắk Nuê, với tổng kinh phí dự kiến hơn 90 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước, cung cấp cho trên 4.500 hộ dân, với tiêu chuẩn 80 lít/người/ngày đêm. Đồng thời góp phần giảm thiểu các bệnh liên quan đến việc sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh của người dân trên địa bàn.
Theo Hoàng Tuyết (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Sáng 30/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1193 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.