UBND TP.Buôn Ma Thuột sẽ hỗ trợ tối đa cho dân khi thu hồi đất làm dự án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người đứng đầu UBND TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khẳng định: Sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân vùng bị giải toả (thôn 1, xã Hoà Thắng) an cư lạc nghiệp sau khi chính quyền thu hồi đất để triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng một khu tái định cư.

Một góc thôn 1, xã Hoà Thắng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - vùng sắp bị giải toả để làm khu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án đường Đông - Tây. Ảnh: Bảo Trung
Một góc thôn 1, xã Hoà Thắng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - vùng sắp bị giải toả để làm khu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án đường Đông - Tây. Ảnh: Bảo Trung
Theo tìm hiểu, đất của hàng chục hộ dân ở khu vực thôn 1, xã Hoà Thắng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sẽ được giải toả để làm Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thôn 1 xã Hoà Thắng". Chủ đầu tư là UBND TP.Buôn Ma Thuột. Đại diện chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng TP.Buôn Ma Thuột. Tổng mức đầu tư là hơn 50 tỉ đồng.
Mục đích của dự án là nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thành phố đã được phê duyệt; giải quyết nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khi thành phố triển khai xây dựng dự án đường Đông - Tây.

Một góc đường Đông - Tây đang xây dựng ở TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung
Một góc đường Đông - Tây đang xây dựng ở TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung
Để triển khai dự án khu tái định cư trên, UBND TP.Buôn Ma Thuột phải thu hồi đất của khoảng 32 hộ dân (10,1ha) với 59 thửa đất và 13 căn nhà.
Được biết, đất của các hộ dân này có được từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nhận hợp đồng giao khoán sản xuất trồng cà phê với Nông trường cà phê Việt Đức (nay là Công ty Việt Thắng) và đại đa số đều không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) để xây cất nhà (vốn là đất nông nghiệp - PV).
Ông Nguyễn Thanh Bình (trú thôn 1, xã Hòa Thắng) bày tỏ: “Tôi và gia đình sống ở đây cũng đã hàng chục năm, sức khỏe hiện giờ cũng già yếu và con cái thì phải đi làm ăn xa. Trong thời gian tới, khi chính quyền thu hồi đất thì gia đình tôi sẽ không biết sống ở đâu vì đây nơi duy nhất để cư trú và đã sinh sống hàng chục năm nay".
Ông Quang Văn Tuy - Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng - cho biết: "Để xảy ra tình trạng trên có một phần lỗi của cơ quan chức năng vì đã buông lỏng, không quyết liệt ngăn cản người dân xây nhà trên đất nông nghiệp ngay từ đầu. Đối với những hộ gia đình có giấy CNQSDĐ thì sẽ có quy trình bồi thường thỏa đáng. Riêng những hộ không có giấy CNQSDĐ thì chính quyền sẽ có phương án hỗ trợ riêng cho dân.
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - nêu quan điểm: "Sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đến từng gia đình để tuyên truyền vận động các hộ dân chấp hành chủ trương đền bù, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
UBND TP.Buôn Ma Thuột đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ 80% đối với tài sản nhà, vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên đất tạo lập sau thời điểm có Quyết định thu hồi đất hồi năm 2008. Riêng về chế độ cho người đang sử dụng đất hiện nay (áp dụng chính sách hỗ trợ như các hộ hợp đồng liên kết còn hiệu lực), cụ thể sẽ bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo Luật đất đai năm 2013 và Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh; hỗ trợ tiếp tiền di chuyển, thuê chỗ ở, thuê nhà... lẫn đào tạo nghề, việc làm".
Ông Hưng cho biết, UBND TP.Buôn Ma Thuột sẽ dành ra khoảng 4ha đất để bố trí tái định cư tại chỗ cho 32 hộ dân trong vùng giải toả kể trên. Qua đó, tạo điều kiện tối đa cho bà con để họ tiếp tục an cư lạc nghiệp.
BẢO TRUNG (LĐO)

https://laodong.vn/ban-doc/ubnd-tpbuon-ma-thuot-se-ho-tro-toi-da-cho-dan-khi-thu-hoi-dat-lam-du-an-868369.ldo

Có thể bạn quan tâm