Những tỷ phú trên vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây 44 năm, thực hiện chính sách giãn dân của tỉnh, nhiều hộ dân ở các phường Hội Thương, Hội Phú và xã Trà Bá (thị xã Pleiku) đã vào xã Gào khai hoang phát triển sản xuất. Sau nhiều năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, từng giọt mồ hôi gieo xuống vùng đất hoang đã đơm hoa kết trái với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, cao su. Cũng trên mảnh đất này, thế hệ tiếp nối của họ đã vươn lên làm giàu, trở thành những tỷ phú trẻ với cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng.
VƯỢT KHÓ
Hồi tưởng những tháng ngày gian khổ, ông Trần Cao Dạng (SN 1956, thôn 6, xã Gào, TP. Pleiku) cho hay: Năm 1976, thực hiện chính sách giãn dân, ông theo cha mẹ vào đây khai hoang lập nghiệp. Giống như gia đình ông, khoảng 300 hộ sinh sống tại phường Hội Phú khi ấy cũng khăn gói đến vùng kinh tế mới ở ngoại vi thị xã Pleiku. Dù 44 năm trôi qua nhưng ông nhớ rất rõ những ngày tháng gian khó. Ngày mới vào xã Gào, gia đình ông được cấp 1,5 sào đất để ở. Tận dụng vật liệu từ ngôi nhà cũ, gia đình ông dựng tạm căn chòi để ở. “Nhìn khung cảnh hoang vu, ai nấy đều nản lòng. Nhiều gia đình chỉ trụ được vài tháng là bỏ đi. Gia đình tôi lúc đó cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, rất muốn đi nhưng không biết đi đâu. Đói khổ không có cái ăn, không có thuốc men chữa bệnh, nhiều người bị sốt rét nên ai cũng hoang mang, chỉ làm việc cầm chừng chứ không có hướng phát triển”-ông Dạng nhớ lại.
Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào đến tham quan vườn hồ tiêu của gia đình ông Trần Cao Dạng (bìa phải). Ảnh: M.N
Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào đến tham quan vườn hồ tiêu của gia đình ông Trần Cao Dạng (bìa phải). Ảnh: M.N
Nhấp một ngụm trà, trầm ngâm một chút, ông Dạng nói tiếp: “Sau này, tôi mới biết, những người bỏ đi không mấy ai thành đạt hơn những người bám trụ lại đây. Có người đi vài năm rồi quay trở lại vì chỗ mới không khá hơn. Có người sau mấy chục năm quay lại thấy tiếc nuối về những thay đổi không ngờ. Chính người dân ở đây cũng không nghĩ sẽ có sự đổi thay lớn đến mức như vậy. Từ chỗ ăn cơm độn khoai, giờ nhiều hộ đã có nhà lầu, ô tô tiền tỷ”. Ông Dạng nhẩm tính, trong số 138 hộ hiện sinh sống trên địa bàn thôn 6 thì có gần chục hộ giàu thật sự (cơ ngơi vài chục tỷ đồng), khoảng 100 hộ khá... Thôn chỉ còn 3 hộ nghèo do già yếu, mất khả năng lao động.
Gia đình ông Dạng hiện có 4 ha cà phê trồng xen hồ tiêu. Lúc giá cả ổn định, vườn cây mỗi năm cho thu khoảng 400 triệu đồng. Đáng nói là ông có 4 người con thì 2 người đã là tỷ phú với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Dạng kể: Trước đây, ngoài làm việc cho Hợp tác xã số 2 theo “tiếng kẻng tập trung” (1 ngày công được tính là 10 điểm, quy đổi thành 1 kg lúa), ông tranh thủ giờ nghỉ tìm đất khai hoang trồng thêm mì, khoai lang để giải quyết cái ăn trước mắt. Mãi đến năm 1986, ông mới bắt đầu trồng cà phê. Ban đầu, ông trồng 5 sào nhưng thu hoạch không đáng kể vì chưa biết cách chăm sóc. Năm 1999 trở đi, khi tiếp cận được cây giống năng suất cao và đã nắm vững kỹ thuật, ông mở rộng diện tích cà phê lên 4 ha và bắt đầu trồng xen hồ tiêu. Kinh tế gia đình theo đó dần khấm khá.
Còn vợ chồng bà Nguyễn Thị Quân (cùng thôn 6) mặc dù không thuộc thành phần giãn dân nhưng cũng làm đơn tự nguyện cùng đứa con 2 tuổi từ phường Hội Phú vào đây khai hoang. Ngày mới vào, để có cái ăn, bà Quân phải đi nhặt nhạnh những cành chè già cỗi mà các đồn điền chặt bỏ gánh bộ ra thị xã bán. Đi từ 8 giờ tối đến 2-3 giờ sáng mới đến nơi, nằm vật vạ ngủ chờ đến sáng họp chợ kiếm vài đồng mua mắm muối, cá khô rồi tất tả quay về. Quyết bám trụ lại nơi này, vợ chồng bà lấy mồ hôi để thuần phục những mảnh đất hoang. Đến khi cái ăn không còn quá cấp thiết, vợ chồng bà Quân bắt đầu trồng 2 ha cà phê, rồi tăng lên 5 ha. Từ đây, cuộc sống khấm khá khi cà phê liên tiếp được mùa, được giá. Ngoài tích cực kh    ai hoang, vợ chồng bà còn dùng tiền tích góp mua thêm rẫy để mở rộng sản xuất. Đến nay, mỗi năm, gia đình bà thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ 20 ha cà phê trồng xen hồ tiêu. “Đó là tính ở thời điểm hiện tại, khi giá hồ tiêu đã hạ sát đáy, còn khi giá cả ổn định thì thu nhập gấp đôi con số này”-bà Quân nói.
Di cư vào xã Gào khi còn là thanh niên, bà Nguyễn Thị Bảy (năm nay 70 tuổi) chẳng nghĩ ngợi gì bởi đơn giản là đi đâu cũng vậy, cố gắng bám trụ thì sẽ thành công. Ở nơi “khỉ ho, cò gáy”, vợ chồng bà làm đủ thứ nghề, từ làm thuê đến mua bán bò, tạp hóa, đi nhặt cành chè già về bán để đắp đổi qua ngày, nuôi 2 đứa con nhỏ. Vợ chồng bà cần mẫn khai hoang, tích góp mở rộng diện tích gieo trồng. Từ 3 ha trồng cà phê ban đầu, giờ gia đình bà đã có 50 ha cà phê trồng xen hồ tiêu với thu nhập thuộc hàng “khủng”.
NHỮNG TỶ PHÚ TRẺ
Theo bà Bảy, thành quả có được như ngày hôm nay phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Chỉ vì kinh tế gia đình lúc bấy giờ quá khó khăn, thiếu thốn trăm bề mà bà đã mất đi 2 người con khi chỉ vài tháng tuổi. Giờ tuổi xế chiều, vợ chồng bà giao lại cơ ngơi cho con quản lý. Đối diện với tiệm tạp hóa của bà là ngôi biệt thự rộng gần 1.000 m2 của người con trai út. Vợ chồng bà vẫn thích sống trong ngôi nhà cũ tuềnh toàng, gắn với những năm tháng gian khó.
Anh Cù Quốc Hùng với ngôi biệt thự hoàn thành cuối năm 2018 với chi phí xây dựng gần 8 tỷ đồng. Ảnh: M.N
Anh Cù Quốc Hùng với ngôi biệt thự hoàn thành cuối năm 2018 với chi phí xây dựng gần 8 tỷ đồng. Ảnh: M.N
Người con trai út của bà Bảy là anh Cù Quốc Hùng (SN 1985). Nếu nói anh Hùng là người giàu nhất ở xã Gào thì không ai bàn cãi. Nhà có 6 anh em nhưng anh Hùng được tin tưởng giao tiếp quản 50 ha cà phê, hồ tiêu của gia đình. Hiện 3 chị gái của anh đều là công chức nhà nước, 2 anh trai theo nghề nông của cha mẹ giờ cũng đã là tỷ phú, có người là ông chủ thu mua nông sản kiêm thầu xây dựng. Mỗi năm, từ 50 ha cà phê trồng xen gần 35.000 trụ hồ tiêu, anh Hùng thu về hơn 4,5 tỷ đồng. Bí quyết giúp anh thành công là không chuyên canh 1 loại cây để tránh rủi ro, nhất là trong lúc giá nhiều nông sản xuống thấp như hiện nay.
Ăn nên làm ra, cuối năm 2018, anh Hùng đã xây được ngôi biệt thự gần 1.000 m2 với kiến trúc 3 tầng, đầy đủ tiện nghi, tổng trị giá gần 8 tỷ đồng. Ngoài chiếc ô tô trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, anh cũng vừa tậu thêm một chiếc ô tô mới có giá đắt hơn, chưa kể hàng chục chiếc xe tải chở hàng cùng diện tích kho bãi rộng lớn. Chưa thỏa mãn với niềm đam mê làm giàu, anh Hùng nói: “Tôi đang muốn thử nghiệm mô hình sản xuất mới bởi cây hồ tiêu đến lúc này có lẽ đã hết thời”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Hải (SN 1974, con bà Nguyễn Thị Quân) giờ cũng đã là ông chủ doanh nghiệp thu mua nông sản tầm cỡ. Để có cơ ngơi đồ sộ như hôm nay, đi xe hơi tiền tỷ, anh cũng phải “đầu tắt mặt tối” với nương rẫy. Mồ hôi công sức của anh cùng nỗi khó nhọc của cha mẹ giúp cho 20 ha cà phê xen hồ tiêu của gia đình ngày một xanh tốt. Thời điểm giá ổn định (cà phê 40.000 đồng/kg, hồ tiêu 180.000 đồng/kg), mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 2 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là cách nói khiêm tốn, bởi ngoài việc nương rẫy, anh Hải còn thu mua nông sản, hỗ trợ chi phí đầu tư rồi thu sản phẩm cho khoảng 100 hộ dân làng C (xã Gào). Tuy nhiên, do hạn hán, dịch bệnh làm hồ tiêu chết, số nợ cộng dồn qua nhiều năm đã hơn 20 tỷ đồng. Với số nợ này, anh vui vẻ để người dân trả dần.
Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-cho hay: Anh Hải, anh Hùng là đại diện cho những tỷ phú trẻ khát khao làm giàu trên mảnh đất mẹ cha khai hoang. Hiện xã có hơn 200 hộ thuộc diện giãn dân năm 1976. Các hộ chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, cao su. Trong số này, đa phần đã có cuộc sống từ ổn định đến khá giả, giàu có, con cái học hành thành đạt. Họ đã đóng góp tích cực giúp địa phương cán đích xã nông thôn mới năm 2017, góp phần xây dựng quê hương anh hùng ngày càng giàu đẹp.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.