Chư Pưh: Xây dựng vùng chuyên canh cây trồng phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt do thiên tai, dịch bệnh cộng với giá cả xuống thấp khiến nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí trắng tay. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện đang nỗ lực tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng vùng chuyên canh để giúp người dân ổn định cuộc sống.

 

Tìm hướng sản xuất mới

Một trong những giải pháp được huyện Chư Pưh tích cực triển khai trong thời gian qua để giúp người dân vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh cây hồ tiêu chết hàng loạt, giá xuống thấp kỷ lục là vận động bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức hội thảo mời gọi các công ty, đơn vị đến tìm hiểu, liên kết với các hộ dân sản xuất-tiêu thụ nông sản chủ lực theo hướng bền vững.

  Ông Nguyễn Viết Lưu (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: N.D
Ông Nguyễn Viết Lưu (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: N.D



Theo đó, đến nay đã có một số công ty triển khai thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với người dân. Cụ thể, Công ty Nafoods liên kết sản xuất-tiêu thụ chanh dây tại xã Ia Hla; Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang liên kết trồng 35 ha dâu, tiêu thụ sản phẩm tơ tằm; Hợp tác xã Trường Xuân liên kết trồng và tiêu thụ 49,2 ha nhãn Hương Chi; Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS liên kết sản xuất-tiêu thụ 15 ha mít Thái; Hợp tác xã Hưng Long liên kết sản xuất-tiêu thụ 33 ha lúa J02 chất lượng cao; Công ty TNHH Nhất Nông liên kết sản xuất-tiêu thụ 15 ha cam… Đặc biệt, huyện đã triển khai dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh cây có múi theo quy trình VietGAP; đến nay đã trồng 10 ha cam giống CS1 tại xã Ia Le và 5 ha bưởi đỏ Hòa Bình tại xã Chư Don. Huyện cũng đã hình thành mô hình Nông hội trồng dâu nuôi tằm tại xã Ia Le và chăn nuôi bò tại xã Ia Dreng.


Ông Nguyễn Viết Lưu (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) cho hay: Năm 2015, khi 1,4 ha hồ tiêu có hiện tượng chết rải rác, ông đã vào miền Tây Nam Bộ tìm hiểu mô hình phát triển cây ăn quả. Một năm sau, ông bắt đầu chuyển đổi dần diện tích hồ tiêu sang trồng 600 cây chanh tứ quý cùng các loại cây ăn quả khác như mít Thái, ổi và cam. Đến nay, diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng hồ tiêu trước đây. Theo tính toán của ông Lưu, chỉ riêng việc chiết giống ổi, chanh tứ quý để bán đã mang lại cho gia đình 200-300 triệu đồng/năm. Gia đình ông cũng có thu nhập thường xuyên từ bán chanh, ổi, có ngày thu đến vài triệu đồng. Đặc biệt, các sản phẩm này không phải bán lẻ mà thương lái tự đến vườn hái rồi thanh toán tiền. Còn ông Biện Tấn Quỳnh (thôn Tung Neng, xã Ia Dreng) thì cho biết, từ năm 2015 đến 2017, trên diện tích hơn 3 ha hồ tiêu chết, gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả như bơ, sầu riêng… cho nguồn thu nhập ổn định.

Tạo vùng chuyên canh ổn định

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định, người dân bắt đầu thay đổi nhận thức về chuyển đổi cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đến nay, nông dân Chư Pưh đã chuyển đổi  được 1.705 ha đất hồ tiêu chết sang trồng các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mít Thái…

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp


 
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đến tìm hiểu liên kết sản xuất-tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn theo chuỗi giá trị; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển giống cây trồng chủ lực và đang tham khảo ý kiến của người dân cũng như mời chuyên gia xác định thị trường tiêu thụ ổn định để sản xuất. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung triển khai các mô hình mới như trồng mít Thái, xoài Úc tại 2 xã Ia Le và Chư Don; xây dựng vùng nguyên liệu phát triển ổn định phù hợp với xuất khẩu chính ngạch. Đặc biệt, mỗi xã quy hoạch một vùng chuyên canh cây trồng tập trung để xây dựng chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo hướng VietGAP… Ngoài ra, huyện đang triển khai trồng cây dược liệu phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.

  Cũng theo ông Tứ, huyện đang thuê đơn vị tư vấn khảo sát lập bản đồ thổ nhưỡng từng xã để tìm loại cây trồng phù hợp nhất. Trong năm 2020, việc này sẽ thực hiện tại xã Ia Le và Ia Dreng, sau đó sẽ nhân rộng ra các xã khác.

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.