(GLO)- Thuở hàn vi, các chị cũng từng lam lũ với ruộng đồng, ngược xuôi với mớ rau, con cá mong sao đắp đổi cuộc sống qua ngày. Nhưng với nghị lực phi thường và “gan làm giàu” nhiều phụ nữ trên vùng đất An Khê (Gia Lai) đã trở thành những nữ doanh nhân thành đạt…
Lâm Thị Liễu |
Hơn 10 năm trở lại đây, thương hiệu Hàng vàng Mỹ Oanh luôn được xếp đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc ở thị xã An Khê. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, chị Lâm Thị Liễu- Chủ doanh nghiệp đã phải vượt qua bao sóng gió của cuộc đời.
Lập gia đình năm 19 tuổi, cuộc sống với bao bộn bề, thiếu thốn, hai vợ chồng dù cố gắng làm đủ thứ nghề nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Cuộc sống của vợ chồng chị càng khốn khó khi lần lượt bốn đứa con ra đời. Nghĩ mãi, chị làm liều vét hết vốn đi buôn “được ăn cả, ngã về không”. Những chuyến buôn hàng tạp hóa, dù chỉ là cây kim, sợi chỉ nhưng cũng lắm chông gai.
Vốn là người thông minh, nhạy bén, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, tích cóp được ít vốn lại được gia đình, bạn bè giúp đỡ, năm 1989 chị mạnh dạn mở tiệm buôn bán vàng. Ra đời trong thời điểm ngành kim hoàn còn non trẻ, thị trường hạn chế nên cạnh tranh rất khốc liệt, chị phải lăn lộn khắp nơi để tìm cách thay đổi thiết kế, mẫu mã hàng hóa, tạo lập thương hiệu cho riêng mình. Được khách hàng tín nhiệm, năm 1997 chị Liễu thành lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hàng vàng Mỹ Oanh. Để công việc kinh doanh ngày một vươn xa, chị vay vốn mua công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại, tìm thợ giỏi để làm sao cung cấp ra thị trường những sản phẩm tinh xảo, đảm bảo chất lượng, hợp thời trang. Không lâu sau, thương hiệu vàng Mỹ Oanh trở thành địa chỉ uy tín không chỉ của thị xã An Khê mà cả khu vực phía Đông tỉnh.
Nguyễn Thị Ngự |
Nhưng nói về xuất phát điểm để trở thành nữ tỷ phú như ngày hôm nay, chị Nguyễn Thị Ngự- Giám đốc DNTN Hoàng Ngân thuộc diện thấp nhất. Sinh ra và lớn lên ở xã An Thảo, huyện Hoài Ân, Bình Định, trong gia đình có 3 anh chị em, mẹ mất sớm, là chị cả nên bao nhọc nhằn đều đổ lên vai chị. Sớm phải lo lắng, thu xếp việc nhà, cũng như quyết định những việc thay mẹ đã tạo cho chị có một nghị lực sống phi thường. Con đường thương nghiệp đến với chị như một cái duyên, năm 1975 chị xin đi thanh niên xung phong, rồi vào Nông trường quốc doanh Sông Ba công tác. Đến năm 1992 Nông trường giải thể, mất việc, trong tay không một tấc đất cắm dùi, cuộc sống bế tắc, cả gia đình phải đi thuê đất để sản xuất và chăn nuôi.
Cũng như những nông dân khác, những sản phẩm làm ra với bao mồ hôi nước mắt, nhưng đem đi tiêu thụ rất khó và bị thương lái ép giá. Thấu hiểu nỗi khổ đó, chị mạnh dạn mua nợ nông sản của bà con với giá cao đem ra thị trấn bán rồi lấy tiền về trả. Thấy đây cũng là cơ hội làm ăn mới, chị quyết định vét hết vốn liếng bấy lâu tích cóp, vay mượn thêm mua một chiếc xe độ để vận chuyển hàng hóa. Trong buôn bán chị lấy chữ tín làm đầu, nên được khách hàng cũng như bà con quý trọng, chính vì vậy công việc kinh doanh ngày một phát triển.
Lê Thị Tuyết |
Chịu khó cóp nhặt, đến năm 2003 chị mở DNTN Hoàng Ngân, chuyên kinh doanh phân bón, vận tải hàng hóa, kinh doanh khách sạn (ở tỉnh Bình Dương), mang về doanh thu mỗi năm trên 20 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 45 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2011, chị mở thêm một công ty TNHH chuyên phân phối hàng tiêu dùng.
Cũng như chị Liễu và chị Ngự, với hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và ý chí, chị Lê Thị Tuyết- DNTN Tuấn Kiệt đã tạo lập cho mình cơ ngơi là 4 cửa hàng chuyên buôn bán xe máy (ở thị xã An Khê, các huyện: Kbang, Kông Chro và Chư Sê) tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm trên 30 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm.
Còn nhiều nữ doanh nghiệp thành đạt khác trên địa bàn thị xã An Khê, họ là những tấm gương của người phụ nữ Việt Nam không chấp nhận số phận, vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay và khối óc của mình.
Ngọc Minh