(GLO)- Nỗ lực vượt trội của các ngành kinh tế đã đem lại kết quả khả quan trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2013: tăng trưởng kinh tế đạt 12,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GDP bình quân đầu người đạt 30,23 triệu đồng, tăng 15,56% so với năm 2012; thu ngân sách 3.350 tỷ đồng; tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt 2,93% tương đương với 8.330 hộ; giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động.
Năm 2013, sản xuất nông nghiệp cơ bản hoàn thành chỉ tiêu. Đó là giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản ước đạt 8.849 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 8,16% so với năm 2012. Riêng với nông nghiệp, giá trị đạt 8.700 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 8,35% so với năm 2012. Trên bình diện chung, nông nghiệp đã có một năm thắng lợi: tổng sản lượng lương thực đạt 542.926 tấn, bằng 93,94% kế hoạch; trong đó thóc 330.516 tấn, bằng 96,27 % kế hoạch, năng suất bình quân đạt 44,7 tạ/ha, giảm 1,4%. Sản lượng một số cây công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2012 như: mía tăng 13,2%, cao su tăng 2,74%, cà phê tăng 12,5%, hồ tiêu tăng 15,2%, chè tăng 7,4%.
Vòng xoay Diệp Kính (TP. Pleiku). Ảnh: K.N.B |
Tỉnh đã và đang phấn đấu xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, chuyển dịch đúng hướng. Điều đó cũng có nghĩa khu vực nông-lâm-thủy sản thu hẹp dần, dịch vụ và công nghiệp tăng lên nhanh hơn, chiếm giá trị lớn hơn. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế suy giảm, việc làm khó khăn thì nông nghiệp có vai trò rất quan trọng.
Khi còn thuận lợi, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường rộng mở, sản xuất kinh doanh thuận lợi, vai trò xương sống của ngành nông nghiệp đã được thể hiện: sản xuất khối lượng lớn lương thực, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu. Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, nông nghiệp đã tạo thành tích ngoạn mục khi liên tục xuất siêu và khẳng định vai trò là giá đỡ, tấm đệm cho nền kinh tế vượt qua khó khăn khủng hoảng. Cũng như cả nước, vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp tỉnh nhà là phải làm sao để nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên hành trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Kinh tế dịch vụ với các ngành ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, giao thông-vận tải… đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại ước 19.450 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2012, đạt 100% kế hoạch; dư nợ cho vay 34.430 tỷ đồng, tăng 17%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu 0,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm đạt 26.242 tỷ đồng, tuy chỉ đạt 97,6% kế hoạch nhưng tăng 22% so với năm 2012.
Các siêu thị như Co.op Mart Pleiku, Gia Lai CTC doanh số mua bán tăng đến mấy chục phần trăm, hàng hóa dồi dào, phong phú, mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Doanh thu vận tải ước cả năm thực hiện 2.360 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 26,75%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 14,68 triệu tấn, tăng 19,2%; khối lượng luân chuyển ước đạt 2.120 triệu tấn/km, tăng 18,9%. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 12,85 triệu hành khách, tăng 18,9%, khối lượng luân chuyển ước đạt 1.920 triệu hành khách/km, tăng 20,8% so với năm 2012.
Đường Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku. Ảnh:Nguyễn Giác |
Việc đầu phương tiện vận tải của Gia Lai, nhất là phương tiện vận chuyển hành khách đang thuộc vào tốp đầu của cả nước. Hiện tại, Bến xe Đức Long Gia Lai mỗi ngày có đến 250 lượt xe ra vào, vận chuyển 2.200 hành khách. Đặc biệt với phương tiện vận chuyển hành khách đường dài, hầu hết đều trang bị xe giường nằm cao cấp. Bình quân mỗi ngày có đến 28 xe giường nằm (40 hành khách/xe) đi TP. Hồ Chí Minh, 8 xe đi Hà Nội, 4 xe đi Đà Nẵng và nhiều tuyến khác. Đó là chưa kể ngày lễ, Tết, đầu phương tiện còn tăng lên nhằm tăng cường phục vụ nhu cầu của hành khách đi, đến thuận tiện, an toàn, kịp thời…
Hy vọng kết quả của các ngành kinh tế quan trọng nêu trên tiếp tục là động lực để Gia Lai hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội với mức phấn đấu cao hơn trong năm 2014.
Thất Sơn