Đi qua một năm dịch bệnh với nhiều khó khăn, có cả những mất mát đau thương, nhưng vượt lên trên tất cả, nhiều người trẻ đã tự biến nguy thành cơ và họ trưởng thành hơn từ chính những thử thách đó. Ngày cuối năm,hãy lắng nghe họ chia sẻ những nỗi niềm từ cuộc sống một năm qua đi...
Lúc khó khăn biết siết chặt tay nhau
Nguyễn Ngọc Hương, nữ CEO trẻ tuổi của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thiên nhiên Việt, người sáng lập thương hiệu bột rau Quảng Thanh, là một trong những minh chứng cho sự thích ứng nhanh và bứt phá ngay trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh.
Nữ CEO trẻ tâm niệm khi khó khăn ập đến, không còn lựa chọn nào khác là đối diện và vượt qua: “Từ lúc dịch bệnh bùng phát, tụi mình đã có những thay đổi ngay lập tức để thích ứng. Ngay trong thời điểm khó khăn nhất đó, công ty vẫn xuất khẩu được hàng sang thị trường châu Âu và mình luôn cố gắng tham gia các lớp tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực, tham gia các hoạt động kết nối thương mại quốc tế…”.
Từ cô học trò chưa từng rời xa vòng tay gia đình, Hà (thứ 4 từ phải sang) thấy mình lớn hơn rất nhiều sau thời gian xách ba lô đi chống dịch. Ảnh: NVCC |
Điều đặc biệt, dẫu trong khó khăn, doanh nghiệp của Hương vẫn tham gia các chuyến xe cộng đồng, chuyên chở nông sản tiếp tế; gửi sản phẩm bột rau hỗ trợ các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch và thực hiện các chương trình bán hàng không lợi nhuận để mua nhu yếu phẩm hỗ trợ cộng đồng vượt qua dịch bệnh…
Cũng chính từ đó, Hương nhận thấy cả mình và doanh nghiệp đều trưởng thành hơn: “Khi tham gia phòng chống dịch tại thời điểm khó khăn nhất, mình càng nhận ra bài học về đức hy sinh, sự cho đi. Có thời điểm chúng mình đã gần như lấy hết vốn đang có để mua nhu yếu phẩm phát cho người dân. Sau nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng đã giúp cho những người làm chủ doanh nghiệp trẻ như mình có sự trưởng thành, chín chắn, biết cảm thông, biết chia sẻ và lúc khó khăn biết siết chặt tay lại để cùng mọi người vượt qua”.
Còn Lê Thị Nhã Trang (32 tuổi) chủ dự án khởi nghiệp ChangChang Farm, khẳng định: “Với tụi mình, dịch bệnh không ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh mà còn tạo ra nhiều cơ hội để tăng doanh thu, tạo ra sản phẩm mới và trưởng thành hơn”.
Sự trưởng thành mà Trang nhắc đến đó chính là khả năng linh động thích ứng để đưa doanh nghiệp vượt “bão Covid” và đặc biệt từ trong khó khăn, Trang đã nhận ra rằng không thể làm một mình mà cần có sự liên kết, gắn kết để cùng nhau làm được nhiều điều to lớn, nhiều giá trị ý nghĩa hơn cho cộng đồng.
Trang liên kết các nông trại của người dân địa phương để cùng “dụ dỗ” và hướng dẫn mọi người canh tác theo hướng hữu cơ, tiến đến phát triển loại hình du lịch trải nghiệm từ vườn ươm giống cho đến nông trại trái cây trĩu quả và xưởng chế biến.
Từ chàng trai thất nghiệp vì dịch Covid-19, Lộc trở thành người có nhiều việc để làm |
“Lúc nào mình cũng trong tâm thế phải kiếm việc cho mọi người làm, vì có nguồn thu mới duy trì được. Mình cứ suy nghĩ dịch thế này thì nên làm gì, mùa dịch mọi người cần cái gì… Lúc nào cũng phải quan sát, có sản phẩm mới để bán rồi thì nên làm gì tiếp theo, chứ không ngồi chờ”, Trang chia sẻ.
Từ thất nghiệp trở thành người có nhiều việc để làm
Chàng trai Hồ Đức Lộc (26 tuổi, ngụ trên đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, TP.Thủ Đức) làm nghề hướng dẫn viên du lịch nên thất nghiệp vì dịch gần 2 năm nay. Thế nhưng, trong khó khăn, thay vì than vãn và trì hoãn, ngay lập tức Lộc thích ứng và tìm hướng đi mới cho mình.
Lộc bày tỏ: “Phải nói là một năm đáng nhớ. Nhưng nhờ vậy mà mình được làm và học thêm một số ngành nghề mới như chuyên viên tư vấn bất động sản, lại có duyên với mảng sư phạm được mời đi dạy tại một số trường, có thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh riêng... Ai lại nghĩ từ một người hướng dẫn viên du lịch lại làm được nhiều thứ như vậy, đến chính bản thân mình cũng cảm thấy ngạc nhiên”.
Chàng trai trẻ chia sẻ thêm: “Dịch bệnh làm cho mình hiểu ra được nhiều điều. Biết quý trọng những gì mình có, trân trọng những người thân xung quanh mình, biết cách chăm sóc cho bản thân hơn, đặc biệt là cách để mưu sinh trong mọi điều kiện khó khăn. Một trận đại dịch lấy đi của chúng ta rất nhiều, nhưng khi nhìn nhận lại nó cũng cho chúng ta nhiều thứ, nó nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng cuộc sống của mình và gia đình, luôn luôn phấn đấu để phát triển bản thân của mình hơn”.
Hoạt động hỗ trợ cộng đồng giúp Hương nhận thấy bản thân và cả doanh nghiệp đều trưởng thành hơn rất nhiều |
Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, cô học trò Nguyễn Minh Hà, học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) khi vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì bị nhiễm Covid-19, nhưng sau khi khỏi bệnh, ngay lập tức Hà đăng ký đi chống dịch.
Từ một cô học trò được ba mẹ lo từng bữa ăn giấc ngủ và chưa một lần rời xa vòng tay của gia đình, trải qua những tháng đi chống dịch, Hà tự nhận thấy bản thân cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều.
“Hết đi chống dịch, về nhà em đã biết nấu cơm cho mẹ ăn. Em cảm thấy mình trưởng thành hơn, làm việc gì cũng phải suy nghĩ kỹ lưỡng, không hấp tấp vội vàng như trước, biết nhẫn nhịn, làm chủ cảm xúc của mình nhiều hơn. Bắt đầu biết lên thời khóa biểu, sắp xếp mọi việc một cách hợp lý”, Hà hạnh phúc chia sẻ.
Đặc biệt, từ những tháng đi chống dịch, Hà thấy mình thay đổi rất nhiều: “Em học được cách cho đi nhưng không nghĩ đến chuyện nhận lại, học được cách hiểu, quan tâm người khác hơn nữa. Em bắt đầu biết nghĩ về tương lai, biết yêu thương ba mẹ và mọi người xung quanh hơn, biết quý trọng thời gian, sức khỏe và những điều hạnh phúc bình dị ở bên mình”.
Theo Nữ Vương (TNO)