(GLO)- Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người dân và giới kinh doanh cà phê bàn tán xôn xao về việc cơ quan điều tra bắt tạm giam một số giám đốc doanh nghiệp vì mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Ít ai biết rằng, cách đây chưa lâu ngành Thuế Đak Lak cũng đã từng “sống dở, chết dở” khi hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước trôi theo chân những doanh nghiệp “ma”.
Cà phê là mặt hàng béo bở của doanh nghiệp “ma”. Ảnh: Minh Nguyễn |
Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan thuế, lợi dụng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), một số đối tượng đã thành lập những doanh nghiệp (DN) “ma”, thuê nhà dân làm trụ sở, in hóa đơn rồi bán vô tội vạ, dùng thủ đoạn mua bán lòng vòng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, những DN này hoạt động một cách công khai trong khoảng thời gian khá dài mà không hề bị cơ quan nào “nhòm ngó”, đến khi các DN này cao chạy xa bay thì số tiền thuế cũng một đi không trở lại.
Bỗng dưng thành… giám đốc
Một trong những thủ đoạn của các DN “ma” là: Lấy chứng minh nhân dân (CMND) của người khác bị mất để thành lập DN, thuê nhà dân làm văn phòng và liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh; không có tài sản cố định như kho hàng, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh; thuê người địa phương làm kế toán khai thuế hàng tháng… Chính vì thế, khi vụ việc bị phát hiện, công tác điều tra, xác minh để củng cố hồ sơ xử lý vi phạm rất khó khăn vì người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì đủ kiểu, có khi là tài xế, công nhân, thậm chí là người đang ở tù!
Đơn cử, theo hồ sơ điều tra của Công an tỉnh Đak Lak, Công ty TNHH một thành viên An Tuấn Phước có địa chỉ tại thị xã Buôn Hồ (Đak Lak) do ông Đặng Văn Tuấn làm Giám đốc đã bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo 500 số hóa đơn. Khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh thì phát hiện ông Đặng Văn Tuấn đang là… công nhân của một công ty tại TP. Hồ Chí Minh, bị mất giấy tờ (trong đó có CMND) từ năm 2009. Và, một loạt trường hợp khác cũng… bỗng dưng trở thành giám đốc như vậy. Chẳng hạn, khi xác minh danh tính người đứng tên giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điệp Lành Tâm là ông Đỗ Văn Luân, kết quả thật bất ngờ bởi ông Luân trên thực tế cư trú tại Thanh Hóa, bị mất giấy tờ từ năm 2010 trong chuyến đi du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, hiện đang làm thuê ở Hà Nội!
Tương tự, Công ty TNHH Lê Quang Tập có giám đốc là ông Lê Quang Tập, cư trú tại tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, kết quả xác minh cho thấy ông Tập đã chuyển khẩu từ tỉnh Thanh Hóa vào tỉnh Đồng Nai từ năm 2010. Tháng 2-2011, ông Tập bị mất CMND do Công an tỉnh Thanh Hóa cấp và được Công an tỉnh Đồng Nai cấp CMND mới từ tháng 4-2011. Hơn thế từ tháng 1-2012 đến nay, ông Tập lái xe cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh và không hề thành lập công ty nào ở tỉnh Đak Lak. Một trường hợp cá biệt khác, khi công an lần tìm ông Nguyễn Hữu Hiếu-Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu thì được biết ông này đang… thụ án tù giam tại tỉnh Hải Dương!
Các DN “ma” thành lập doanh nghiệp chỉ với mục đích là mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT rồi rút êm. Chính vì vậy, chỉ tính sơ bộ trong khoảng thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Đak Lak đã phát hiện 39 DN “ma” với số thuế GTGT đầu vào liên quan đến hóa đơn của DN ngoài tỉnh (có dấu hiệu vi phạm pháp luật, mua, bán hóa đơn) lên đến 137 tỷ đồng.
Doanh nghiệp “ma” lộng hành
Ngoài việc sử dụng giấy tờ giả “qua mặt” cơ quan thuế để đăng ký thành lập nhằm tổ chức thu mua cà phê chuyển ra ngoài tỉnh không có hóa đơn, chứng từ, các DN “ma” còn cấu kết với các doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác như: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh… mua bán lòng vòng, qua nhiều khâu trung gian để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Các doanh nghiệp ngoài tỉnh này thường “biến mất” một cách nhanh chóng (bỏ kinh doanh) sau khi xuất hóa đơn bán ngược cà phê lên Đak Lak cho các DN “ma”.
Không chỉ mua bán lòng vòng, các DN “ma” còn giở trò “mua cao, bán thấp”, thu mua cà phê cao hơn giá thị trường, sau đó lại bán ra với giá thấp cho các DN xuất khẩu để lấy hóa đơn GTGT và kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế này. Ví dụ, giá cà phê trên thị trường là 40.000 đồng/kg nhưng DN “ma” chịu mua với giá 41.000 đồng/kg để nhanh chóng gom được một lượng hàng lớn, rồi bán lại cho DN khác với giá chỉ 40.000 đồng/kg, nhận khoản tiền hoàn thuế GTGT với tỷ lệ 5% mà những DN này chuyển sang tương đương 2.050 đồng/kg. Thay vì đóng khoản hoàn thuế đó cho Nhà nước, lúc này các DN “ma” sử dụng chiêu “đào tẩu” để được lãi 1.050 đồng/kg sau khi trừ ra 1.000 đồng/kg do đã mua giá cao hơn thị trường.
Tính đến thời điểm phát hiện (tháng 5-2013), trên địa bàn tỉnh Đak Lak có hàng chục DN “ma” hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cà phê. Theo số liệu cập nhật chưa đầy đủ, doanh số mua vào bán ra của các DN này đã lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng. Đem con số này nhân với thuế suất GTGT 5% của mặt hàng cà phê sẽ thấy ngân sách nhà nước đã thất thu hàng trăm tỷ đồng từ kiểu mua bán lòng vòng này. Chưa kể, ngoài số thuế GTGT bị mất, còn một khoản không nhỏ nữa, đó là thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị “trôi” theo. Ngoài ngân sách nhà nước bị thất thu, các DN “ma” còn làm khuynh đảo thị trường cà phê khiến nhiều DN làm ăn chân chính khác mất dần khách hàng, khốn đốn trong việc tìm mua cà phê giao cho đối tác theo các hợp đồng đã ký trước đó.
Minh Nguyễn