Nhớ những đêm diễn văn nghệ nơi công trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây 46 năm ở công trường Bầu Dồn (xã Cư An, huyện Đak Pơ ngày nay). Ở chỗ tôi công tác (xã Cư An), Đoàn Thanh niên được tổ chức thành tiểu đoàn, đại đội như trong quân đội, mỗi thôn là 1 trung đội xung kích, mỗi xã 1 đại đội, có đội văn nghệ làm công tác tuyên truyền.

Tại các công trường như: Đê Bar, Tơ Kân, Bầu Dồn (huyện An Khê cũ), thanh niên chúng tôi đều có mặt. Đội văn nghệ của chúng tôi gồm 32 người do Trưởng ban Văn hóa xã dẫn đầu, chia làm nhiều tổ chuyên môn, 1 tổ chuyên cầm sổ đi lấy tin tức, gương người tốt việc tốt, biên tập nhanh gửi về tổ còn lại ngồi dưới bóng cây đàn hát và đọc tin phát ra từ 2 chiếc loa sắt treo ở cành cây để cổ động làm việc của cả công trường.

Ban đêm tập văn nghệ, cứ 7 ngày có chương trình cùng hát nhau nghe, 1 tháng trình diễn ca múa nhạc kịch 1 lần. Sân khấu là mô đất cao san bằng, lấy cây rừng làm màn chắn cánh gà, ánh sáng là 2 cây đèn dậu ống tre thắp bằng dầu lửa cắm hai bên. Bộ âm ly chạy bằng ắc quy, micro mắc trên sợi dây giăng ngang sân khấu có người kéo qua kéo lại, trang phục dán bằng giấy kim tuyến trên quần áo, xong lại giặt bỏ. Tất cả đàn, sáo đều của nhạc công. Bộ trống được tận dụng tấm tôn cắt ra lợp tấm nhựa, riêng chiếc trống lớn nhất được cắt ra từ thùng phuy, bịt bằng tấm bạt mủ.

Khuya về ngủ dưới hàng lán trại dựng lên giữa rừng. Đội văn nghệ chúng tôi được bố trí ở trung tâm những lán trại gần sân khấu dưới bóng cây cổ thụ.

Tất cả đang ngon giấc, bỗng tiếng hét thất thanh vọng ra ở lán nữ đội văn nghệ. Chúng tôi vội vã cầm đèn pin lao vào. Cả sạp lặng yên. Tắt đèn pin được một lúc thì tiếng hét lại vang lên. Chúng tôi bật đèn nói lớn: “Ai hét gì đấy”. Cô Trang vén mùng ngồi dậy vừa nhẹ nhàng bước đi chậm chạp vừa nói: “Không có gì đâu các anh”. “Trời đất! Làm cả trại náo động”-anh đại đội trưởng nói.

Đến đêm trình diễn văn nghệ, ngoài các tiết mục hát, múa còn có vở diễn cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạng” do đội văn nghệ chúng tôi kỳ công luyện tập suốt thời gian dài. Vở diễn nói về phong trào đấu tranh của nông dân giành lại đất đai đã bị bọn cường hào chiếm mất. Trong vở diễn có vai Út Trong em gái Biện Toại, do cô Trang thủ vai đã bị kẻ địch bắn trong lúc đấu tranh bảo vệ kho lúa.

Tất cả trong tư thế chuẩn bị mở màn thì phát hiện bị mất hộp đồ nghề trang điểm, đặc biệt hơn là mất hộp diêm để làm tiếng nổ của súng và lọ phẩm đỏ tẩm bông gòn giả máu. Cuối cùng, chúng tôi đành lấy bột mì xoa làm phấn, xin thuốc đỏ bên trạm xá sơn môi và làm máu giả, còn tiếng súng nổ thì khi diễn viên giương súng, nhạc công gõ vào chiếc trống làm tiếng động.

Màn kéo lên, dưới ánh đuốc lờ mờ chỉ thấy hình dạng diễn viên và tiếng hát, tiếng đàn đã làm khán giả cả sân bãi gần 300 người im lặng lắng nghe. Đến màn cô Út Trong bị trúng đạn, tiếng hét vang lên thảm thiết, có người phẫn nộ hét theo. Sau này, lý giải cho tiếng hét trong đêm khuya, anh trạm trưởng y tế nói: “Cô Trang nhập vai khi luyện tập, cộng với việc nằm ngủ dưới bóng cây ban đêm, khí carbonic cây thải ra nhiều, cô hít phải khiến đầu óc thiếu đi sự minh mẫn nên dẫn đến tình trạng la hét trong giấc mơ”.

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.