Nhớ lần đầu đến Pờ Tó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pờ Tó là một địa danh. Hẳn rồi! Nhưng trong đời sống ngôn ngữ ở tỉnh Gia Lai, “Pờ Tó” còn được dùng như một tính từ chỉ sự xa xôi, cách trở. Ví dụ, ngay nội thị Pleiku thôi, nhưng khi nói về mạn Trà Đa, Vạn Kiếp, Ia Kring…, nhiều người sẽ buông một câu: “Ôi cái hốc Pờ Tó ấy!”.

Có 3 cách để vào Pờ Tó, đường nào kể ra cũng thấy xa lắc xa lơ, gọi là “hốc Pờ Tó” thì chẳng sai tí nào. Hướng thứ nhất đi từ TP. Pleiku đến ngã ba Cây xoài (thị xã Ayun Pa) thì mất 25 km để rẽ vào trung tâm huyện Ia Pa, từ đây lại đi thêm chừng 20 km nữa mới tới Pờ Tó. Hướng thứ 2 là từ TP. Pleiku xuống ngã ba Đak Djrăng (huyện Mang Yang), sau đó mất khoảng 60 km để vào xã Đak Trôi rồi đến Pờ Tó. Hướng thứ 3 là từ TP. Pleiku xuống trung tâm huyện Kông Chro rồi theo đường Trường Sơn Đông vào Pờ Tó với khoảng 40 km. 

 

Ngày nay, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây mới ở làng Bi Yông, xã Pờ Tó. Ảnh: Lê Gia
Ngày nay, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây mới ở làng Bi Yông, xã Pờ Tó. Ảnh: Lê Gia

Xã Pờ Tó thuộc huyện Ia Pa, có diện tích 1,34 km2, hiện có 12 thôn, làng với hơn 1.300 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào 2 loại cây chủ lực là mía và mì. Đây là xã đồng bào dân tộc đầu tiên tôi đến, vào năm 1978 khi được huy động đi đổi tiền.

Tối đó chúng tôi nghỉ lại ở cơ quan Huyện đội, ngay sát Văn phòng UBND và cơ quan Huyện ủy Ayun Pa. 2 giờ sáng, đội công tác lên xe. Lạ nước lạ cái. Chỉ ánh đèn pha ô tô soi tỏ gập ghềnh con đường phía trước, còn lại là mịt mùng đêm tối. Hửng sáng, tới nơi. Chúng tôi đổ bộ xuống khoảng sân UBND xã. Số tiền được đổi quy định rất ít. Nhưng tất cả bà con (hơn 90% cư dân là đồng bào dân tộc Bahnar) đều không đủ để đổi. Thậm chí nhiều gia đình không có đồng nào. Buồn cho mức sống của dân dù thực tế đó làm cho công việc của chúng tôi nhẹ nhàng và hoàn thành trước thời hạn.

Bài học vỡ lòng về phép ứng xử đầu tiên học được là khi tôi quan sát thái độ của người du kích Bahnar Đinh Nghim khi một ông người Kinh trong đội nhờ (mà như ra lệnh) đi bộ… 3 km mua gói thuốc lá; anh ta vẫn làm nhưng tỏ ra khó chịu. Sau này mới biết, cư dân bản địa Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung chỉ làm những việc thực lòng họ thích. Họ rất ghét ra lệnh, ngay cả với con cái mình. Những từ “buộc”, “hãy”, “phải”… hầu như không xuất hiện trong đời sống hàng ngày, trừ những lần làng xử kiện, xử phạt.

Thứ hai là bài học về phong tục tập quán khi tôi chứng kiến và tham gia một đám ma Bahnar. Buổi chiều xong việc, được nghỉ ngơi để sáng hôm sau rút quân thì một đám ma đi ngang qua Ủy ban. Quan tài là khúc gỗ tròn lớn được khoét rỗng để chứa thi thể. Người ta buộc dây vào một đầu rồi kéo trên đất chứ không khiêng. Tới khu nhà mả ở phía Tây thì dừng lại. Bốn, năm người đàn ông bước vào một trong những nhà mả đó. Họ dùng cuốc, xà beng nạy và nâng tấm bê tông dài rộng khoảng 2,5 mét x 1,5 mét. Một vật gì như quả bóng lớn lập tức phình lên. Thì ra là cái bụng người (do gia đình này mới chôn một thành viên cách đó 10 ngày, tử thi chưa kịp xẹp, rữa). Một thoáng bối rối. Và rồi 2 người đàn ông bước lại, giẫm lên cái khối phồng đó. Nghe mấy tiếng “bụp, bụp”. Cái bụng xẹp xuống. Một thứ nước đen như mực duềnh lên, tràn cả ra ngoài. Người ta nhét cái xác mới vào và đậy nắp lại. Công việc mai táng đã hoàn tất. Tục này gọi là chôn chung, lạc hậu và rất mất vệ sinh. Ngày nay, ngay cả ở những làng xa nhất trong tỉnh cũng không còn nữa.

Tiếp theo là nghi lễ nắm tay nhau nhảy múa (xoang) xung quanh nhà mồ theo chiều ngược kim đồng hồ. Một bà cụ mang rổ thức ăn gồm cơm, củ mì luộc, muối ớt, thịt gà nướng xé nhỏ đứng ở cửa nhà mả, vừa bốc thức ăn bỏ vào ống lồ ô dẫn trực tiếp xuống mộ vừa nhún nhảy theo nhịp chiêng, rồi thoăn thoắt bỏ vào miệng những người qua cửa mả. Tôi cũng nhập vào vòng vài chục người ấy. Thú thực lúc đầu hơi nhờn nhợn. Xong có vài ba can rượu rồi thì không còn biết sợ là gì nữa. Mà may thay tối về cũng không đau bụng đau dạ gì. Cùng với lòng thành thật, kinh nghiệm này được tôi phát huy bền vững cả mấy chục năm sau đó trong những lần có cơ hội sinh hoạt với cộng đồng bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Chử Anh Đào

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.