Trạm thu phí Cai Lậy.Ảnh: HỒNG LAM
Theo một thống kê trước đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12-2016, có tổng cộng 20 ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỉ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỉ đồng (chiếm hơn hai phần ba tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông). Tổng dư nợ này tăng lên 90.311 tỉ đồng vào cuối tháng 9-2017(1). Bốn ngân hàng cho vay BOT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.
85-90% là đi vay
Theo một thống kê trước đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12-2016, có tổng cộng 20 ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỉ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỉ đồng (chiếm hơn hai phần ba tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông). Tổng dư nợ này tăng lên 90.311 tỉ đồng vào cuối tháng 9-2017(1). Bốn ngân hàng cho vay BOT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.
Trong khi đó, chủ đầu tư, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ góp 10-15% vốn vào các dự án này. Đồng thời, cũng theo thống kê của NHNN, có 17 dự án bị chậm tiến độ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 18.260 tỉ đồng, dư nợ đến cuối tháng 12-2016 hơn 8.600 tỉ đồng. Nhiều dự án trong những năm đầu vận hành không có nguồn thu, không đủ trả lãi ngân hàng, khiến ngân hàng phải cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Ngay cả với những dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thiện, một số dự án đã bị cơ quan chức năng - đôi khi dưới áp lực quá lớn của dư luận - yêu cầu hạ mức thu phí sử dụng hay điều chỉnh hoặc thậm chí dỡ bỏ tuyến thu phí, dẫn đến phương án tài chính thu hồi vốn bị ảnh hưởng lớn, gây khó khăn cho việc trả nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng cấp vốn.
Nhận diện “cám dỗ”
Cũng vì “tay không bắt giặc” nên nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất cao hơn so với lãi suất mà ngân hàng có thể cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp thông thường khác. |
Trước tiên, về tính hấp dẫn của các dự án loại này, đối với chủ đầu tư, có thể chỉ ra lý do chính làm chúng hấp dẫn là bản thân chủ đầu tư chỉ có ít vốn “mồi”, sẵn sàng đi vay phần lớn vốn cần thiết còn lại cho dự án. Vì chỉ có ít vốn bỏ ra, làm ăn theo kiểu “tay không bắt giặc” nên nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm với dự án của mình, với tâm lý thua thì cũng không mất nhiều (và thực ra vào thời điểm đi vay trước đây, khả năng thua là điều không đáng bận tâm bởi những “lợi thế” của nhà đầu tư như nói thêm dưới đây).
Cũng vì “tay không bắt giặc” nên nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất cao hơn so với lãi suất mà ngân hàng có thể cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp thông thường khác, ít nhất là bởi chi phí tài chính đội lên sẽ được chủ đầu tư “phân bổ” đầy đủ cho người sử dụng cơ sở hạ tầng gánh chịu, tất nhiên là một cách hợp pháp với sự phê duyệt của cơ quan chức năng như trong phương án tài chính của dự án.
Lý do thứ hai, “nhạy cảm” hơn, là không thể phủ nhận nhiều nhà đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có mối quan hệ thân hữu nào đó, được ưu ái về chính sách, nhận được sự dễ dãi về phê duyệt dự án cũng như các điều kiện kinh doanh thuận lợi... Những lợi thế này không chỉ làm nhà đầu tư sẵn sàng chèo kéo ngân hàng bỏ vốn cho vay với lãi suất cao mà bản thân chúng còn làm cho ngân hàng “mờ mắt” trước tiềm năng thu lãi khủng của các dự án trong tương lai mà chuyện trả nợ vốn vay ngân hàng đầy đủ, đúng hạn chỉ là chuyện nhỏ khi cán bộ tín dụng thẩm định tính khả thi của dự án để trình quyết định cho vay.
Với ngân hàng, cho vay đâu cũng có rủi ro. Trước những lợi thế của chủ đầu tư, của dự án, yên lòng với sự “bảo kê” ngầm mà chủ đầu tư được hưởng, ngân hàng thường không cầm lòng từ chối những dự án cơ sở hạ tầng béo bở như vậy.
Những chuyện không “xuôi chèo mát mái” nói trên xảy ra với một số dự án cơ sở hạ tầng thực ra cũng nằm ngoài dự tính của tất cả các bên trong cuộc, bởi những lý do họ không thể kiểm soát được, như chuyện quan chức liên đới nào đó bị kỷ luật, dự án bị buộc phải điều chỉnh hoặc thậm chí hủy bỏ, việc điều hành dự án sau khánh thành bị thay đổi do pháp luật được “vá” những lỗ hổng dưới sức ép dư luận làm ảnh hưởng đến phương án tài chính đã duyệt...
Để cám dỗ không trở thành cạm bẫy
Để hóa giải các cám dỗ nói trên, để cám dỗ không trở thành cạm bẫy, thì về phía Nhà nước, cần minh bạch hóa quá trình mời thầu, xét duyệt và phê chuẩn dự án đầu tư, phương án tài chính. Đồng thời, quy định vốn tự có tối thiểu của nhà đầu tư để được phép thực hiện dự án cần phải được điều chỉnh theo hướng nâng lên, chẳng hạn 30% tổng vốn đầu tư.
Quan trọng không kém là các chính sách khai thác cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, phát triển cần được minh bạch hơn, nhất quán hơn, dễ tiên định hơn, ít khả năng thay đổi đột ngột để có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư, gồm cả những nhà đầu tư chân chính trong những dự án cơ sở hạ tầng chân chính.
Về phía người cho vay là các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN cũng đã nhận ra vấn đề, nhận dạng rủi ro liên quan nên đã đôi lần ban hành văn bản nhắc nhở ngân hàng hạn chế cho vay đối với các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là chốt chặn và là điều cần thiết để hãm bớt sự nhiệt tình thái quá của NHTM đổ vốn vào lĩnh vực này. Tiến thêm bước nữa, có lẽ NHNN nên ban hành quy định cụ thể hơn và khắt khe hơn để siết tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng dạng BOT, BT như cách mà họ đang làm với các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán...
NHNN đã có thêm một động thái rất đáng hoanh nghênh là siết tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Điều này vô hình trung sẽ hạn chế phần nào ngân hàng rót vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng bởi kỳ hạn tín dụng cho các dự án này thường là dài hạn, hàng chục năm. NHNN cần theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện quy định này để có biện pháp xử lý cần thiết với những ngân hàng vi phạm, nhất là do cấp vốn quá nhiều cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Đối với từng NHTM, áp lực tìm kiếm dự án tốt để giải ngân thường xuyên là động lực để cán bộ tín dụng (và sếp của họ) dễ bỏ qua, xem nhẹ những rủi ro liên quan của dự án cơ sở hạ tầng. Đó là chưa kể cán bộ tín dụng còn “hợp sức” cùng nhà đầu tư tô hồng thêm cho dự án để nhanh chóng được phê chuẩn cho vay và giải ngân. Để hạn chế rủi ro, NHTM buộc phải xây dựng được bộ phận thẩm định tín dụng và kiểm toán nội bộ đủ năng lực, nghiêm minh, nhằm hạn chế cho vay thái quá các dự án cơ sở hạ tầng rủi ro và giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro thành sự thật.
Các bộ phận chức năng trên cùng với bộ phận tuân thủ của ngân hàng cũng phải phối hợp chặt chẽ buộc bộ phận tín dụng và nguồn vốn tuân thủ đầy đủ các quy định về các hạn mức và tỷ lệ khống chế tín dụng của NHNN, góp phần bảo vệ chất lượng tín dụng của ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro mất vốn.
Kinh nghiệm cho thấy đôi khi ngay cả những bộ phận chức năng trên của ngân hàng cũng cố tình làm sai có hệ thống hoặc có cá nhân làm sai, trục lợi. Nên để giảm thiểu được rủi ro này thì ngân hàng phải có thêm những biện pháp phòng chống như kiểm tra chéo, định kỳ luân chuyển cán bộ...
Châu Phan(TBKTSG)