(GLO)- Sau nửa tháng thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai thực hiện. Song vấn đề này chỉ dựa trên nguyên tắc chia sẻ, không mang tính bắt buộc nên tỷ lệ giảm lãi suất vẫn còn thấp, chưa đồng bộ.
Qua 15 ngày triển khai việc hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, đã có 12 trên tổng số 15 ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện giảm lãi suất cho 3.028 khách hàng với dư nợ 4.711 tỷ đồng. Hầu hết các đối tượng khách hàng đều được giảm.
Một số ngân hàng có tỷ lệ giảm lớn như: BIDV đã giảm 2.172 tỷ đồng cho 392 khách hàng, trong đó 223 khách hàng là doanh nghiệp; Agribank giảm 1.216 tỷ đồng cho 646 khách hàng, trong đó khách hàng cá nhân chiếm phần lớn; Vietinbank giảm 235 tỷ đồng cho 604 khách hàng, trong đó có 20 doanh nghiệp; Sacombank giảm 303 tỷ đồng cho 1 khách hàng là doanh nghiệp; SHB giảm 227 tỷ đồng cho 597 khách hàng, trong đó có 125 doanh nghiệp; VCB giảm 280 tỷ đồng cho 327 khách hàng, trong đó có 29 doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này VCB đã có 100% khách hàng dư nợ có lãi suất dưới 15%/năm.
Tính đến cuối tháng 7-2012, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn là 28.500 tỷ đồng (tăng 1% so với tháng 6, và tăng 3,8% so với đầu năm), trong đó, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại là 24.321 tỷ đồng.
Như vậy, đến thời điểm ngày 25-7, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại có khoảng 17.035 tỷ đồng dư nợ lãi suất dưới 15%/năm, chiếm khoảng 70%; có nghĩa là vẫn còn 7.286 tỷ đồng dư nợ có lãi suất trên 15%. Con số này đang được các ngân hàng tiếp tục xem xét, rà soát để tiến hành giảm trong thời gian tới. Tất cả các khoản vay mới lãi suất bình quân từ 11% đến 15%/năm. Và hiện vẫn còn 3 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa thực hiện giảm là: Techcombank, MB, SCB.
Theo ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai: Chi nhánh chẳng có cơ sở nào để áp dụng các biện pháp điều hành nếu các ngân hàng không thực hiện giảm lãi suất. Bởi đây chỉ là yêu cầu xem xét của Thống đốc chứ chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện, cũng không mang tính bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử lý hẳn hoi. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Giảm lãi suất sẽ vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa cho cả ngân hàng. Bởi ngân hàng không giảm thì doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, làm tăng thêm nợ xấu, buộc ngân hàng phải trích thêm dự phòng rủi ro.
“Tôi nghĩ, việc giảm lãi suất của ngân hàng có thể chỉ chậm chứ không thể không giảm. Đồng vốn quay vòng, hiệu quả thu lãi, thu nợ tăng, nợ xấu giảm, càng giảm rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Lãi suất huy động đã giảm, lãi suất cho vay cũng phải giảm theo. Đó vừa là mục tiêu, cũng là đạo lý kinh doanh”-ông Cư nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc này. Do đó, sắp tới Chi nhánh sẽ phối hợp cùng với các sở, ban ngành, các ngân hàng thương mại đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp…
Những trường hợp doanh nghiệp sau khi xem xét mà hiệu quả hoạt động không cao, làm ăn thua lỗ thì ngân hàng sẽ kiên quyết không đầu tư vốn. Ngược lại, những doanh nghiệp có khả năng vực dậy được, thời gian qua chỉ gặp khó khăn tạm thời, ngân hàng sẽ đầu tư vốn. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Phát triển làm tốt công tác bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn và thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng.
Thực tế, đến thời điểm này vẫn còn 30% dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất trên 15%/năm, tỷ lệ vẫn còn khá cao. Một số ngân hàng đưa ra hàng loạt tiêu chí để được giảm lãi vay cũ, một số còn đang đợi hướng dẫn và nhiều lý do để trì hoãn, thậm chí cố giữ lãi cao để không làm giảm lợi nhuận kinh doanh…
Rõ ràng, chỉ khi nào có kiểm tra, giám sát, xử lý tốt vấn đề này thì mới là giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vực dậy trong sản xuất kinh doanh.
Thảo Nguyên