Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh năm 2016 vừa họp đánh giá về các giải thưởng cho những giải pháp, mô hình xuất sắc. Với 42 công trình dự thi, mùa thứ ba của sân chơi khoa học kỹ thuật này ngày càng được bạn trẻ quan tâm.
“Thời sự” từ cuộc sống
Không khó để nhận ra rằng, những diễn biến của cuộc sống xung quanh là kho đề tài vô hạn để các bạn trẻ thể hiện tính sáng tạo. Lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tiếp tục áp đảo với 15 giải pháp dự thi; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em có 10 giải pháp; đồ dùng dành cho học tập 3 giải pháp; phần mềm tin học 5 giải pháp; và sản phẩm thân thiện với môi trường có 9 giải pháp.
![]() |
Giám khảo chấm điểm các mô hình, giảỉ pháp tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh năm 2016. |
Từng biết đến Đinh Việt Long - người đoạt giải Nhì ở cuộc thi này mùa giải năm trước - nhưng gặp lại em với công trình “Thiết bị tự hành lấy mẫu nước, bùn sông, hồ biển” ở mùa giải này, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự “già dặn” trong sáng tạo của cậu học trò vừa bước qua lớp 10 chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn).
“Những vụ ô nhiễm môi trường như Vedan xả thải ra sông Thị Vải, Huyndai - Vinashin xả thải ra vịnh Vân Phong... gần nhất là hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển Bắc Trung bộ là “đề bài” của em. Ý tưởng về một thiết bị giúp lấy mẫu tại sông, hồ, biển, những nơi có nguồn nước nhiễm độc, khí độc, phóng xạ hay nguy hiểm với con người ra đời từ đó”- Long chia sẻ.
Mất 10 tháng, nhóm bạn Lê Phan Mỹ Anh và Trương Thị Vạn Đô (Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) mới hoàn thành sản phẩm dự thi “Tổng hợp đồng nano bằng dịch chiết củ gừng và ứng dụng làm chất kháng khuẩn”. Mỹ Anh cho biết: “Bài toán đặt ra cho nhóm là phải tạo ra chế phẩm sinh học mới, cụ thể là dung dịch nano đồng sinh học ổn định, có thể sản xuất với số lượng lớn và khả năng ứng dụng rộng rãi. Chế phẩm có thể đa dạng các tính năng từ thử nghiệm phun trên cây trồng (cà chua, bí, phong lan…) để trị nấm lá, kết hợp với dung dịch titan nano để xử lý hồ bơi, cho đến tổng hợp nha đam cùng nano đồng để tạo gel trị bệnh ngoài da ở người”.
Ở vai trò “cầm cân nảy mực”, ông Huỳnh Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định (Sở KH&CN), cho rằng, ý tưởng của các em không quá mới lạ nhưng rất hay và khả năng ứng dụng cao. Ví dụ, chỉ riêng về sáng tạo tiết kiệm nước tưới đã có đến 3 mô hình dự thi. Học sinh Trường THCS Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn) cải tiến hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước tưới cho cây hồ tiêu ở vùng đất nghèo mạch nước ngầm; các em ở Trường THCS Phước Thuận sáng tạo hệ thống tưới bằng guồng quay tự động; trong khi đó, mô hình tưới tự động dựa vào độ ẩm đất và mức nước bằng năng lượng mặt trời là lựa chọn của các em Trường THPT số 1 Tuy Phước. Đây là những sáng tạo rất có ý nghĩa trước diễn biến của biến đổi khí hậu hiện nay.
Qua 3 lần tổ chức cuộc thi cho thấy, sức sáng tạo của các bạn trẻ là rất lớn. Những học sinh Tiểu học sáng tạo với các sản phẩm tái chế, trang trí góc học tập, đồ chơi trẻ em; học sinh THCS, THPT dùng những kiến thức đã học vào thực hiện những mô hình, dụng cụ học tập, lao động… Từ đó, các em cho ra đời nhiều mô hình mang dấu ấn sáng tạo và có tính ứng dụng cao.
Không chỉ là “sân chơi”
Ở cuộc thi năm 2015, toàn tỉnh có 29 giải pháp dự thi; năm nay đến giờ chót có 42 giải pháp được chấm giải. Gần như tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có học sinh dự thi; nhiều nhất là huyện Tuy Phước - 13 giải pháp, tiếp đến là huyện Hoài Nhơn - 8 giải pháp, TP Quy Nhơn - 7 giải pháp, huyện Phù Cát - 6 giải pháp…
Sân chơi này không chỉ đòi hỏi các em có kiến thức tốt, mà quan trọng hơn là khuyến khích sự phát triển của khả năng tư duy và sáng tạo. Một sự kết hợp rất tốt học đi đôi với hành, để phát triển toàn diện kiến thức - điều mà vì nhiều lý do các trường học không thể làm được Cô giáo HỨA THỊ THANH VÂN, Tổ trưởng tổ Vật lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn |
Ông Lê Văn Tâm, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, nhấn mạnh: “Những con số trên đã cho thấy sức lan tỏa của phong trào, khơi dậy khả năng tư duy và nhen ngọn lửa đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong giới trẻ ngay từ khi các em còn là học sinh. Các sản phẩm được đầu tư chăm chút nhiều hơn, được ứng dụng đa dạng trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống và thực sự hữu ích, phần nhiều trong số đó được tận dụng làm từ các phế phẩm. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc tạo điều kiện để hun đúc, chắp cánh cho những tài năng sáng tạo trẻ”.
Là đại diện duy nhất của huyện Tây Sơn, Phạm Văn Phú (học sinh Trường THPT Tây Sơn) “rinh” thực tiễn sản xuất của gia đình chuyển tải vào sáng tạo của mình với mô hình “Máy bóc vỏ đậu phụng giống”. Đồng hành cùng con trong ngày chấm giải cuộc thi, anh Phạm Văn Nhứt - ba của Phú - không giấu được xúc động: “Phú làm mô hình này với mong muốn giúp đỡ gia đình, bà con trong xóm giảm bớt chi phí đầu vào khi sản xuất đậu phụng. Thấy con ham học hỏi và nghiên cứu, tôi vui lắm!”.
Còn cô giáo Hứa Thị Thanh Vân, Tổ trưởng tổ Vật lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tâm sự: “Sân chơi này không chỉ đòi hỏi các em có kiến thức tốt, mà quan trọng hơn là khuyến khích sự phát triển của khả năng tư duy và sáng tạo. Một sự kết hợp rất tốt học đi đôi với hành, để phát triển toàn diện kiến thức - điều mà vì nhiều lý do các trường học không thể làm được”.
THU HIỀN