Nguyễn Thị Thúy Nga: Đi đến tận cùng hoài bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong bối cảnh các trung tâm ngoại ngữ ở Pleiku đang cạnh tranh với nhau rất gay gắt, Trung tâm Anh ngữ Speak Up (23 Tô Vĩnh Diện) do chị Nguyễn Thị Thúy Nga làm giám đốc vẫn thu được thành công nhờ xây dựng được chương trình đào tạo chất lượng cùng đội ngũ giáo viên có trình độ, tận tâm với nghề.
Đam mê môn Tiếng Anh từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Thúy Nga (SN 1985) quyết định thi vào Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Quy Nhơn). Năm 2007, Nga ra trường và được phân về giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa). Đây là ngôi trường mới thành lập, học sinh ít chú tâm đến việc học ngoại ngữ khiến Nga cũng ít có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Là một người năng động và có tinh thần cầu tiến, Nga quyết định xin nghỉ việc để về Pleiku xin giảng dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học tỉnh. Khi Nga giảng dạy tại đây được hơn 3 tháng thì Trung tâm Anh ngữ Âu Việt (07 Nguyễn Du, TP. Pleiku) thành lập. Được sự giới thiệu của đồng nghiệp, Nga xin chuyển về làm công tác giảng dạy ở trung tâm này. Sau 8 năm miệt mài với công tác giảng dạy, Nga được tín nhiệm giao giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm phụ trách công tác chuyên môn.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nga.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nga.
 
Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Thị Thúy Nga:
* Quyết tâm theo đuổi đam mê.
* Tận dụng hết cơ hội và tiềm năng có được. 
* Luôn coi trọng uy tín và chất lượng đào tạo.
Công việc ở Trung tâm Anh ngữ Âu Việt khá nhẹ nhàng, thu nhập lại ổn định. Vậy nhưng, đầu năm 2018, chị bất ngờ xin nghỉ việc rồi thuê địa điểm mở Trung tâm Anh ngữ Speak Up của riêng mình. Khi được hỏi vì sao lại có quyết định táo bạo như vậy bởi hiện trên địa bàn TP. Pleiku đã có hàng chục trung tâm ngoại ngữ đang cạnh tranh với nhau rất gay gắt, chị Nga vui vẻ chia sẻ: “Tôi tin mình sẽ thành công vì hiện nay, việc trang bị ngoại ngữ cho học sinh là một nhu cầu hết sức cấp thiết. Vả lại, trong thời gian đi làm, tôi luôn khát khao có một trung tâm ngoại ngữ của riêng mình để thỏa niềm đam mê sáng tạo nghề nghiệp”. 
Trung tâm Anh ngữ Speak Up thành lập cũng là lúc chị Nga phải đương đầu với biết bao khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cộng với suy nghĩ chất lượng sẽ quyết định sự thành bại, những khó khăn cũng dần trôi qua. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, Trung tâm bắt đầu tuyển sinh. Khóa đầu tiên, Trung tâm chỉ tuyển sinh được hơn 20 em vì các phụ huynh chưa thật sự tin tưởng. Hơn nữa, trên địa bàn thành phố có nhiều trung tâm ngoại ngữ nên phụ huynh cũng có nhiều sự lựa chọn. Để phụ huynh tin tưởng, chị Nga cùng với các giáo viên thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe phản hồi của họ về việc học của con em mình. Mặt khác, đội ngũ giáo viên Trung tâm luôn tận tâm, chu đáo với các em học sinh, giảng dạy bằng các phương pháp mới, giáo trình mới nhất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhờ vậy mà các em tiếp thu kiến thức rất nhanh, khả năng giao tiếp tốt.
Hiện nay, Trung tâm Anh ngữ Speak Up có 4 phòng học được đầu tư đầy đủ trang-thiết bị đạt chuẩn. Ngoài những giờ học trên lớp, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa để các em có điều kiện vui chơi và nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Phương pháp giảng dạy này được các phụ huynh đánh giá rất cao. Vì thế, từ 20 em học sinh lúc đầu, chỉ sau hơn 6 tháng, Trung tâm đã thu hút hơn 100 em theo học. Các em học ở khóa trước đều đăng ký tiếp tục học nâng cao ở khóa tiếp theo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trung tâm luôn quan tâm đến việc lựa chọn đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng sư phạm tốt. Hiện Trung tâm có 10 giáo viên (1 giáo viên là người nước ngoài), trong đó 1 người có bằng Tiến sĩ và có chứng chỉ TESOL (chứng chỉ dạy tiếng Anh cho người nước ngoài). 
Nói về bí quyết để khởi nghiệp thành công, chị Nga cho biết: “Khi thành lập Trung tâm, tôi phải lên kế hoạch và đề án kinh doanh rõ ràng vì nó có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả hoạt động sau này. Vả lại, nhờ kinh nghiệm thu được trong 8 năm làm ở Trung tâm Anh ngữ Âu Việt nên tôi đã xây dựng một đề án hoạt động cụ thể cho trung tâm ngoại ngữ của mình. Đây là đề án mở, thường xuyên thay đổi, cập nhật cho phù hợp với thực tế”.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.