(GLO)- Những năm qua, cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân. Trong tâm trí mỗi người dân chúng ta, đặc biệt là với những người có niềm vinh dự được gặp Bác, việc học tập và làm theo tấm gương ngời sáng của Người đã trở thành tâm nguyện.
Niềm vui được gặp Bác
Những hội viên chi hội Người cao tuổi tổ 11, phường Hoa Lư đang trao đổi kinh nghiệm trong việc học tập và làm theo gương Bác. Ảnh: Thái Bình |
Buổi chiều muộn, khi chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hồng Nam ở số 15, đường Phan Đình Giót, phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Nhắc lại kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ, giọng ông Nam sôi nổi: “Được gặp Bác Hồ ba lần, nghe Bác kể chuyện, được Bác hỏi han tình hình ăn học và được thỏa thích ngắm nhìn Bác là điều may mắn trong cuộc đời tôi. Đã 58 năm trôi qua nhưng với tôi, ký ức về những lần gặp Bác vẫn nguyên vẹn và quá đỗi thiêng liêng”.
Ông Nam kể, năm 1956, ông được ra miền Bắc học tập tại Trường Học sinh miền Nam số 24 và cũng chính nơi này, ông được gặp Bác Hồ lần đầu tiên. Ông Nam bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó là tầm tám giờ rưỡi sáng, cả lớp chúng tôi đang học thì nghe từ phía nhà bếp vọng ra tiếng reo mừng rỡ: “A! Bác Hồ”. Cả thầy trò chúng tôi liền ùa chạy ra. Chúng tôi chen nhau vây quanh Bác. Sau khi kêu anh bảo vệ ra xe lấy kẹo vào chia cho chúng tôi, Bác hỏi “Các cháu miền Nam có nhớ nhà không? Các cháu ăn có no không? Học có tốt không?”... Cứ thế chúng tôi đứa nào đứa nấy cầm trong tay kẹo Bác cho, ngẩn ngơ ngắm nhìn Bác, lúc ấy cứ ngỡ Bác là ông nội, ông ngoại của mình thôi vì trông Người hiền, giản dị, gần gũi. Đặc biệt, Bác luôn nở nụ cười rất tươi sáng, hiền từ. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, đôi mắt Bác lúc nào cũng sáng lên niềm vui. Khi Bác vẫy tay chào tạm biệt, chúng tôi lưu luyến lắm, chỉ muốn giữ Bác ở lại thật lâu!”.
Sau lần gặp gỡ ấy, ông Nam quyết tâm học tập thật tốt để có cơ hội gặp Bác thêm một lần nữa. Năm 1960, ông trở thành sinh viên năm nhất của Học viện Nông Lâm Hà Nội. Vì những thành tích xuất sắc đã đạt được, ông là một trong những sinh viên ưu tú được đi đón đoàn khách Tiệp Khắc cùng Bác Hồ. Khi nhận được thông báo, cả đêm ông không thể nào ngủ được, chỉ mong tới sáng thật mau. Đứng xếp hàng ở sân bay Gia Lâm đón đoàn nhưng ông cùng các bạn nào có ai để ý tới đoàn nước bạn cao thấp thế nào, đen trắng ra sao, chỉ chăm chăm nhìn Bác Hồ, từng cử chỉ, ánh mắt, lời nói của Bác đều được mọi người khắc cốt, ghi tâm. Và sau mỗi lần được gặp Bác, ai cũng nguyện cố gắng học tập tốt hơn, cống hiến nhiều hơn để được gặp Bác thêm nhiều lần nữa.
Nguyện noi theo tấm gương Người
Dù đã lớn tuổi nhưng ông Nam vẫn luôn dành thời gian đọc những cuốn sách lịch sử của dân tộc. Ảnh: Nguyễn Giang |
Khắc ghi lời Bác dặn, khi còn công tác hay lúc nghỉ hưu, ông Nam vẫn luôn cố gắng sống, học tập và làm theo lời Bác; nhất là trong 5 năm trở lại đây, khi cuộc vận động học tập và làm theo gương vị Cha già dân tộc ngày càng có sức lan tỏa, đi vào chiều sâu trong đời sống nhân dân. Bởi vậy, tâm nguyện này của ông Nam cũng là tâm nguyện của hầu hết những người chúng tôi có dịp gặp gỡ. Cũng ngay trên địa bàn phường Hoa Lư (TP. Pleiku), chi hội Người cao tuổi tổ 11 của phường đã có một cách làm hay, thiết thực và hiệu quả trong phong trào học tập và làm theo gương Bác. Đó là việc photocoppy lại tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác để phát tới từng hội viên để mỗi người khi rảnh rỗi đọc, ngâm ngợi, vừa thưởng thơ vừa suy ngẫm về những kinh nghiệm, bài học mà Bác Hồ muốn gửi gắm, từ đó vận dụng vào cuộc sống thực tiễn của mỗi người, mỗi gia đình.
Ông Hà Trọng Bàng-Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi tổ 11, phường Hoa Lư chia sẻ: “Việc học tập và làm theo gương Bác chúng tôi vẫn thực hiện thường xuyên, tích cực, bám sát theo chủ đề hàng năm và đạt được những kết quả đáng mừng. Đáng nói là, hầu hết các hội viên của chi hội đều rất yêu thơ, đặc biệt là thơ Bác. Có người còn viết cả thơ để nói về việc học tập và làm theo lời Bác của mình. Vì vậy, chúng tôi mới lấy việc đọc thơ Bác, chủ yếu là tập “Nhật ký trong tù”, làm theo những điều Bác thể hiện trong thơ, từ vẻ ung dung, tự tại đến tinh thần lạc quan, yêu đời, không ngại khó, ngại khổ, quyết một lòng vì đất nước, vì cách mạng… là một trong những nội dung để các hội viên trong chi hội thực hiện trong phong trào này. Sau một năm thực hiện, đời sống tinh thần của các hội viên đã có sự thay đổi, phong phú hơn, lạc quan hơn và có thêm nhiều việc làm có ích”. Cũng theo ông Bàng, chính nhờ việc học thơ Bác này mà một hội viên trong chi hội-ông Nguyễn Thành Lộc-đã dành thời gian, tâm huyết để dịch xong tập “Nhật ký trong tù” ra chữ Nôm, coi đây là một thành tích trong phong trào học tập và làm theo gương Bác.
Thái Bình-Nguyễn Giang