Sốt xuất huyết được ghi nhận gia tăng ở nhiều địa phương trong cả nước. Riêng tại TP Hà Nội, sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao trong những tuần gần đây
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... liên tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH).
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
Riêng tại TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc SXH. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn; số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019. Đại diện Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết mặc dù ghi nhận số ca mắc SXH có phần giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây, tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch trên địa bàn thành phố.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong những ngày đầu tiên mắc SXH, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng sốt có thể tăng trở lại nhanh chóng sau 3-4 tiếng. Bệnh này có hai biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó, biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.
|
Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Ngọc Huyền |
Để kiểm soát tình hình, không để bệnh lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giao UBND các cấp trực tiếp triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7-2020 và duy trì hoạt động một tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy...
Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ bệnh SXH tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% hộ gia đình thuộc khu vực ổ bệnh. Bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun để có chỉ định phun. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành của chính quyền các cấp để đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố.
Biến chứng nặng nề, không thể chủ quan
Trong khi đó, bệnh tay chân miệng (TCM) cũng đang gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo Sở Y tế TP. Hà Nội, hiện nay, thành phố đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc TCM. Số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Hiện đã ghi nhận các ổ bệnh tại các trường mầm non và khu chung cư. Sở Y tế TP Hà Nội nhận định nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố là hiện hữu nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
BS Trương Văn Quý, Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp Bệnh viện E trung ương, cho biết nhiều bệnh nhi nhập viện khi diễn biến đã phức tạp (mức độ 2). Khi phát bệnh ở mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện triệu chứng suy tuần hoàn, phù phổi cấp... BS Quý cũng bày tỏ lo ngại, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trải qua một đợt dịch tương tự năm 2013, cao điểm của dịch TCM với nhiều trẻ bị di chứng nặng nề.
Trẻ mắc TCM ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn... Trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh, trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài milimét, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục của trẻ. Bệnh có nguy cơ lây lan mạnh nhất ở giai đoạn 7 ngày đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, tuy nhiên, giai đoạn lây nhiễm còn kéo dài vài tuần, nguyên nhân là do virus gây bệnh còn lưu trú ở phân người bệnh.
Theo giới chuyên môn, hầu hết trường hợp trẻ mắc bệnh TCM đều ở thể nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng với số ít trường hợp bệnh ở thể nặng; kèm theo nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm màng não cấp, phù phổi cấp, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Khánh Anh (NLĐO)