Người vẽ ước mơ cho những trẻ em khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi trẻ không may sinh ra phải gánh chịu nỗi đau về thể xác lẫn trí tuệ thì để hòa nhập với cuộc sống gia đình, cộng đồng là một điều không hề dễ dàng…

Thương những mảnh đời bất hạnh cùng với nhiệt huyết với nghề giáo viên từ khi tuổi đời còn rất trẻ, cô giáo Phạm Thị Hồng (hiện là giáo viên Trường Khuyết tật, số 57 Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, TP. Pleiku, Gia Lai) nguyện dành trọn tuổi thanh xuân theo đuổi ước mơ được dạy dỗ, chăm sóc cho trẻ em khuyết tật.

 

 Lớp học trẻ khuyết tật của mẹ Hồng. Ảnh: Minh Hương
Lớp học trẻ khuyết tật của cô Hồng. Ảnh: Minh Hương

Niềm vui từ những điều nhỏ nhoi

Những ngày cuối năm, cái không khí se se lạnh của Phố núi kèm theo những cơn gió thỉnh thoảng lại rít bên tai khiến tôi có cảm giác hồ hởi khi ngày Noel sắp đến. Đâu đâu cũng thấy mọi người tất bật chuẩn bị đón Giáng sinh an lành.

Lớp học đặc biệt của cô giáo Hồng cũng không ngoại trừ điều đó. Dịp tôi ghé thăm trường cũng chính là lúc các em học sinh khuyết tật đang hăng say tập văn nghệ để chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 14 năm thành lập Trường Khuyết tật và chuẩn bị cho mùa đón Giáng sinh năm nay.

Trong căn nhà nhỏ nhưng lại đầy ấp tiếng cười. Cây thông Noel được các em tự tay trang trí một cách khá cầu kỳ. Từng phòng học tuy nhỏ nhưng hình ảnh của những chú tuần lộc, ông già Noel và những bông hoa đủ màu sắc được dán khắp nơi. Những giọng hát tuy được cất lên còn ngọng nghịu và chưa rõ chữ nhưng đủ để khiến người nghe cảm thấy ấm áp, yêu thương.

Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên, tiếng cười đùa rộn ràng của các em, cô Hồng như được tiếp thêm sức lực, đặt tất cả niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn cho trẻ khuyết tật. Cô chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu khi đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên còn lắm hoang sơ này. Khi bắt đầu nhận được vài cháu để dạy, lòng tôi quặn lại như có ai cấu xé từng thớ thịt trong tôi. Khi phải chứng kiến sự đau đớn mà các em bại não phải chịu đựng, những thân hình trườn dài trên nền nhà, nằm co ro và cả những tiếng la ú ớ của các em bị câm-điếc. Từ đó, ý chí trong tôi lại càng sôi sục, tôi phải làm một điều gì đó để giúp các em vượt qua được nỗi đau về thể xác, tinh thần”.

Đến nay đã hơn 20 năm gắn bó với những trẻ em khuyết tật. Cô Hồng không chỉ là một người dạy dỗ, uốn nắn từng nét chữ cho các em mà còn là một người mẹ tô vẽ cho các em biết được sắc màu cuộc sống, gây dựng ước mơ và những dự định sau này.

Em Yến Nhi-bị câm điếc, được 14 tuổi. Khi trò chuyện với chúng tôi bằng cách viết lên trang giấy trắng, tôi biết em đã sống và gắn bó với lớp học hơn 10 năm nay, em không ngần ngại khi cho tôi biết được ước mơ của em sẽ làm một cô giáo dạy chữ cho những trẻ em cùng cảnh ngộ với mình.

Còn em Diệu Hà 12 tuổi-bị bệnh tự kỷ ngay từ khi lên 5, giờ đây em cũng hồ hởi mà khoe với tôi em là người múa chính trong đêm văn nghệ sắp tới. Em luôn mong ước được làm một diễn viên múa để dạy cho các em. Nhìn khuôn mặt hồ hởi của các em, trong ánh mắt của cô Hồng hiện lên sự hạnh phúc, hy vọng ở các em.

Nguyện lòng vì ngày mai của trẻ khuyết tật

Năm 1980, khi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm mầm non, cô Hồng đã bắt đầu đi dạy ở các trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật. Sự đồng cảm, thương xót dường như thấm dần trong cô, khi phải chứng kiến sự đau đớn về thể xác lấn tinh thần của các em. Khi ấy cô 28 tuổi. Khoảng thời gian đầu bước chân vào nghề không mấy “nhàn hạ” này, cô phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích, can ngăn từ phía gia đình, bạn bè cho rằng thiếu gì việc tại sao lại chọn cái nghề “trông trẻ” không có tương lai này. Nhưng cuối cùng, tình yêu đối với nghề đã giúp cô vượt qua tất cả.

Sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh. Vượt qua hàng ngàn cây số để đến với mảnh đất còn lắm hoang sơ này, từ đây cô xác định sẽ chấp nhận rời xa gia đình, rời xa nơi đô thị náo nhiệt.

Một mình “thân gái dặm trường”, cô lên tận Tây Nguyên để mở lớp học sau một thời gian dài tìm hiểu. Cô tâm sự : “Ngay từ những ngày đầu thành lập lớp học với rất nhiều bộn bề, khó khăn. Để có chỗ dạy cô Hồng đã phải tất bật tìm kiếm rất nhiều nơi. Đầu tiên, cô mượn tạm một khu nhà bỏ trống thuộc nhà thờ Đức An (đường Wừu TP. Pleiku, Gia Lai), một thời gian sau nơi này bị đòi lại nên buộc cô phải di dời địa điểm khác là ở đường Trần Nhật Duật (phường Ia Kring) cho đến nay.

 

Ngoài giờ học, các em còn giao lưu văn nghệ để chuẩn bị hành trang hòa nhập vào cuộc sống. Ảnh: Minh Hương
Ngoài giờ học, các em còn giao lưu văn nghệ để chuẩn bị hành trang hòa nhập vào cuộc sống. Ảnh: Minh Hương

Lúc đầu, lớp học của cô chỉ được 2 em, sau một thời gian dài nỗ lực, kiên trì sĩ số lớp học đến nay đã lên đến con số 52. Trong những ngày mới mở lớp, không ít người nghi ngờ về khả năng có thể dạy các em khuyết tật câm điếc nói được. Nhưng sau này gia đình các em nhận thấy con mình có sự tiến bộ rõ rệt, các em biết đọc, biết viết, biết tính những con số đơn giản và hiểu những gì người khác nói. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều phụ huynh đã tìm đến cô, tin tưởng và gửi con em nhờ cô chăm sóc, chỉ bảo”.

Cô Hồng chia sẻ, mỗi cháu mang trong người một dị tật bẩm sinh khác nhau, có cháu bị đao, bại não, mù, câm, điếc, tự kỷ... đủ độ tuổi nên trình độ nhận thức và tiếp thu cũng khác nhau. Do vậy, không thể nào áp dụng phương pháp dạy học bình thường được. Cô Hồng phải cất công chỉ dạy từng em một, dạy đi dạy lại chúng nó mới nhớ được. Chỉ cần một ngày mà không nhắc nhở ôn lại bài thì coi như công sức bấy lâu nay thành “công dã tràng”. Đó là chưa kể đến có em bị bệnh đao, không kiểm soát được hành động nên đã nhảy vào người cô mà cắn xé, vồ vập… Nhưng rồi qua những cơn bệnh thì các em lại trở về với con người thật, nét khờ khạo, ngây ngô lại hiện rõ. Đối với những em bị liệt toàn thân, lúc rảnh rỗi thì cô giống như người mẹ, tập những bước đi đầu đời cho những đứa con thơ... phải mất một thời gian khá lâu, thậm chí vài tháng đến một năm các em mới đi tập tễnh.

Được biết cô Hồng trước đây là một người tham gia học rất nhiều khóa đào tạo kỹ năng “dạy trẻ thiểu năng”, được cấp nhiều bằng khen cũng như giấy chứng nhận đào tạo của đại học Hoa Kỳ, Hà Lan tại Việt Nam. Với những bằng cấp chuyên môn tốt, đã có nhiều công ty lớn tại TP. Hồ Chí Minh mời cô làm nhưng cô đều từ chối. Mục đích cô muốn học là để có những hiểu biết về các kỹ năng cơ bản dạy trẻ khuyết tật, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận các em và hiểu được bản tính từng em mà đưa ra các phương pháp dạy học một cách tốt nhất.

Đến nay, mặc dù đã ở tuổi 54 nhưng chưa một ngày nào cô nghỉ ngơi thư thả. Đối với cô, chỉ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc. Dù có vất vả mệt nhọc nhưng khi nhìn thấy những nụ cười hiện trên môi lũ trẻ là sự nhọc nhằn, mệt mỏi dường như đã tan biến. Cuộc sống của những đứa trẻ khuyết tật rồi sẽ thay đổi hàng ngày, các em sẽ có cuộc sống hạnh phúc như bao trẻ em khác. Và chúng sẽ trở nên hạnh phúc hơn khi có những người cô, người mẹ hiền như cô Hồng để gieo mầm non tương lai cho những đứa trẻ này.

Minh Hương

Có thể bạn quan tâm