Người trẻ nhảy việc, các trang tuyển dụng sôi sục sau tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ sau dịp Tết Nguyên đán, giới trẻ lại đua nhau nhảy việc. Các nhà tuyển dụng trong giai đoạn này thường phải đau đầu do tỉ lệ người lao động chuyển việc tăng nhanh.
Sau Tết, lượng người tìm việc mới tăng cao - Ảnh: Anuva
Sau Tết, lượng người tìm việc mới tăng cao - Ảnh: Anuva
Theo trang tìm việc JobStreet.com, 75% nhà tuyển dụng bắt đầu chiến dịch săn nhân tài mới ngay sau Tết.
Câu nhân tài trên mạng xã hội
Trên Facebook, hàng loạt việc làm mới xuất hiện chỉ sau kỳ nghỉ tết kết thúc. Thậm chí, nhiều công ty còn treo bảng tuyển dụng tìm ứng viên để mùng 6 Tết đi làm luôn.
Đọc dòng chữ "cơ hội việc làm cho bạn trẻ nhảy việc sau tết", Thiên Tài (nhân viên kinh doanh, quận 1, TP.HCM) cảm thấy rất thích thú. Anh chia sẻ: "Trước tết là mùa hốt lương, thưởng của năm. Sau tết là mùa nhảy việc. Lý do nhảy rất đơn giản, chán thì nghỉ thôi. Hơn nữa, công việc mới lương bổng và cơ hội phát triển phải cao hơn cái cũ mới được người lao động cân nhắc".
Bản thân anh cũng suy nghĩ, vì công việc hiện tại ở trung tâm thành phố nhưng lương chỉ 5 triệu đồng, trong khi anh phải liên tục gặp gỡ khách hàng, đối tác. "Chi phí đắt đỏ, phải đi làm xa là lý do tôi tính đến chuyện nhảy việc", Tài nói.
Tại mục tuyển dụng trang Ybox.vn, chỉ vài ngày sau khi nghỉ tết, đã có hàng chục việc làm mới chờ giới trẻ gia nhập như nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên phục vụ, thực tập sinh kinh doanh,…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại đâm ra lo lắng vì thiếu hụt nhân sự. Nhiều công ty, xí nghiệp còn đăng tin tuyển gấp công nhân để bù đắp lại số lượng thợ cũ không trở lại làm việc hoặc nhảy việc sau khi ăn tết khiến mạng xã hội thời điểm những ngày đầu xuân thêm nhộn nhịp.
Chị Tuyết Nhung (làm việc tại Xưởng may P.N, quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Người lao động thường cố gắng làm hết một năm để nhận lương thưởng. Sau đó họ mới quyết định nghỉ.
Có nhiều lý do để công nhân nghỉ như ngoài quê mở nhiều công ty, xí nghiệp, họ đi làm sẽ gần cha mẹ, con cái hơn, hay muốn dành thời gian chăm sóc gia đình, em bé. Một số khác thì do chi phí sống tại thành phố đắt đỏ nên kham không nổi".
Hiện tại, xưởng của chị vừa có một công nhân xin nghỉ do sắp đi xuất khẩu lao động. Chị Nhung cũng mong muốn công ty tạo thêm nhiều điều kiện, ưu đãi để thu hút công nhân đi làm sau tết nhiều hơn.
Vì sao giới trẻ quyết định nhảy việc sau tết?
Đây là câu hỏi được nhiều hội nhóm về nhân sự trên mạng xã hội đặt ra. Theo một khảo sát của LinkedIn, 59% nhân viên có ý định nhảy việc vì tin rằng công việc mới sẽ giúp họ phát triển sự nghiệp, 36% cho rằng không phù hợp, bất mãn với công việc hiện tại.
Còn anh Đinh Thái Bình (trợ lý tổng giám đốc Công ty BrainMark Consulting & Training, TP.HCM, có hai năm làm công tác nhân sự) lại cho rằng, tết là thời điểm tổng kết quá trình làm việc cũng như lương thưởng của cả năm. Vì thế, nhân viên thường đợi đến tết để nhận phần thưởng về hiệu quả làm việc của mình. Sau đó, họ mới quyết định nhảy việc.
Anh nhận định: "Quyết định chuyển việc của nhân viên thường không rơi vào giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, vì ai cũng ráng cố gắng làm để có thưởng.
Gần như nhảy việc sau tết cũng trở thành một thói quen của bạn trẻ. Trước đó, phòng nhân sự cũng "đề phòng" trước bằng cách tuyển dụng. Những cơ hội tốt hơn sẽ có người nhanh tay chớp lấy".
Anh Đinh Thái Bình - Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh Đinh Thái Bình - Ảnh do nhân vật cung cấp
Theo anh Bình, quá trình nghỉ tết sẽ khiến người lao động suy nghĩ nên đi hay ở. Tất nhiên, nhiều người có xu hướng đổi mới môi trường làm việc trong năm mới.
"Thông thường, không hợp với người quản lý trực tiếp chính là yếu tố số một khiến người lao động nghỉ việc nhanh nhất. Thứ hai, họ muốn thay đổi môi trường, mức lương, chức vụ…
Trước khi nghỉ việc, người lao động cần cân nhắc về gia đình, phúc lợi công ty cũ. Đặc biệt là mối quan hệ tình cảm về sau cũng cần xem xét", anh cho biết.
Anh cũng đồng tình với ý kiến chính sách lương thưởng của công ty phải phù hợp với nhân viên làm việc hiệu quả. Ngoài ra, tình cảm với người quản lý cũng là một trong những lý do chính giữ chân được "gà nhà".
Chuyên gia nhân sự này cho rằng: "Người lao động thường sẽ cống hiến hết mình cho nơi công nhận đúng thực lực của họ, và thưởng xứng đáng với những cố gắng.
Đặc biệt, sinh viên mới ra trường không nên đứng núi này trông núi nọ, mà nên học hỏi cho vững kinh nghiệm và gắn bó với một công ty phải hơn 1 - 2 năm. Các nhà tuyển dụng rất sợ tuyển dụng sinh viên mới ra trường vì thiếu tính gắn bó".
"Thực tế, người nhảy việc chưa chắc đã quyết định đúng, người ở lại chưa chắc đã quyết định sai"-anh Đinh Thái Bình
Phương Vy (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.