Trần Thị Bé: Ước mơ đưa ẩm thực Gia Lai vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù mới xuất hiện trên thị trường khoảng 3 tháng nay nhưng sản phẩm “Heo đồng bào gác bếp” của chị Trần Thị Bé (27 tuổi, ở 35 Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.

Được sự giới thiệu của anh Nguyễn Hữu Duy-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai, mới đây, tôi có dịp gặp chị Trần Thị Bé để tìm hiểu về sản phẩm “Heo đồng bào gác bếp” khá “độc” và lạ này. Ngồi trò chuyện với tôi mà điện thoại của chị liên tục đổ chuông. Chị Bé cho biết, điện thoại giờ là vật bất ly thân của chị bởi các bạn hàng có thể gọi đặt hàng bất cứ lúc nào.

 

Chị Trần Thị Bé và sản phẩm “Heo đồng bào gác bếp”. Ảnh: H.Đ.T
Chị Trần Thị Bé và sản phẩm “Heo đồng bào gác bếp”. Ảnh: H.Đ.T

Chị Bé kể, chị sinh ra và lớn lên tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và chọn học chuyên ngành Văn hóa du lịch của Khoa Việt Nam học. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, chị vào Gia Lai thăm nhà một người bác. Chuyến đi ấy không ngờ lại trở thành cơ duyên để chị quyết định ở lại Gia Lai lập nghiệp.

Ban đầu, chị Bé nộp đơn xin việc ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Trong khi chờ việc, chị  nhận bán hàng cho một hãng cà phê. “Trong quãng thời gian này, tôi có điều kiện đặt chân đến các buôn làng xa xôi để trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Càng đi, tôi càng khám phá ra nhiều nét văn hóa ẩm thực độc đáo của họ”-chị Bé chia sẻ. Trong một lần về xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) bán hàng, chị được người dân nơi đây cho thưởng thức món thịt heo gác bếp chấm với muối sả Lào. Thấy hương vị ngon và lạ, chị suy nghĩ: Tại sao mình không phát triển món ăn này thành một sản phẩm ẩm thực độc đáo để phục vụ khách du lịch và cung cấp cho thị trường? Bởi lẽ, với những kiến thức đã học được trong ngành Văn hóa du lịch, chị Bé biết rằng, với  khách du lịch, có 2 điều kéo họ quay trở lại mỗi vùng đất là vẻ đẹp phong cảnh và ẩm thực đặc sắc. Trong xu thế phát triển đa dạng của ngành du lịch hiện nay, một số doanh nghiệp lữ hành cũng đã tổ chức các chương trình du lịch ẩm thực với mục đích chủ yếu là phục vụ du khách thưởng thức những hương vị truyền thống đặc sắc tại các điểm đến.

Với suy nghĩ ấy, chị Bé quyết định ở lại xã Chư Đăng Ya để học hỏi bà con về cách chế biến món thịt heo gác bếp. Sau khi nắm được bí quyết, chị bắt tay vào chế biến món ăn này. Những sản phẩm đầu tay làm ra, chị Bé liền mang đi giới thiệu với các bạn bè ở trong và ngoài tỉnh. Thấy ai cũng khen món ăn này ngon và mới lạ, chị Bé bắt đầu sản xuất nhiều. Đặc biệt, nhân sự kiện lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya diễn ra tháng 12-2017, chị đã làm một gian hàng giới thiệu sản phẩm và thông qua bạn bè làm du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... kết nối để đưa các đoàn khách đến tham quan quy trình chế biến món thịt heo gác bếp và thưởng thức sản phẩm. Sau khi thưởng thức, ai cũng khen ngon và khi ra về mỗi người đều mua cho mình vài ký để làm quà cho người thân.

Về quy trình chế biến món thịt heo đồng bào gác bếp, chị  Bé cho biết: Sau khi mổ thịt heo, lọc những miếng thịt nạc và tẩm ướp gia vị rồi đặt trên giàn bếp đốt lửa liu riu khoảng 5 ngày thì thịt chín tự nhiên. Sản phẩm thịt heo gác bếp của chị cũng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, mặc dù sản phẩm này mới xuất hiện khoảng 3 tháng nay nhưng lượng khách hàng của  chị Bé rất nhiều, bình quân mỗi tháng chị bán được 600-800 kg, có tháng cao điểm bán được 1,2 tấn với giá 550 ngàn đồng/kg. Chị Bé cho biết, mỗi ký thịt heo gác bếp bán ra, trừ chi phí, chị thu lợi khoảng 30%.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Trần Thị Bé:

- Say mê tìm hiểu và dấn thân đi tìm cái mới.
- Tận dụng cơ hội và thời cơ để khởi nghiệp.
- Khi đã chọn lĩnh vực khởi nghiệp phải có sự quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Hiện nay, để mở rộng sản xuất, chị Bé đã liên kết với bà con dân tộc thiểu số xây dựng một trang trại với 500 con heo được chăn nuôi thả tự nhiên và xây dựng nhà xưởng với diện tích 500 m2. Sắp tới, ngoài sản phẩm chính là thịt heo gác bếp, chị Bé còn liên kết với các nhà hàng làm món heo nướng lồ ô, xây dựng các chuỗi bán thịt heo sạch theo quy trình khép kín từ chăn nuôi đến tiêu thụ. Chị Bé cho biết, ngoài việc giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số đến với khách du lịch phương xa, chị còn mong muốn là giúp bà con nâng cao đời sống bằng việc chăn nuôi, tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, không bị các thương lái ép giá. 

Dù không phải là người con của vùng đất Tây Nguyên nhưng chị Trần Thị Bé vẫn luôn say mê tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là văn hóa ẩm thực để gìn giữ, quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh. Với chị, văn hóa ẩm thực có vai trò quan trọng, góp phần làm tăng hiệu quả, tạo nên thành công cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với địa phương. Từ đó, khách du lịch được trải nghiệm, hiểu thêm về một khía cạnh văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.