Người dân Lâm Đồng ăn ngủ không yên vì sợ bờ sông sạt lở cuốn trôi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm hộ dân dọc bờ sông Đạ Quay, thuộc 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, ăn ngủ không yên do nguy cơ sạt lở cuốn trôi vườn tược, nhà cửa bất kể lúc nào.
Hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông Đạ Quay, thuộc 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, ăn ngủ không yên vì tính mạng bị đe dọa do bờ sông Đạ Quay có thể sạt lở cuốn trôi vườn tược, nhà cửa bất kể lúc nào.
 Một điểm sạt lở đất nghiêm trọng tại Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai.
Một điểm sạt lở đất nghiêm trọng tại Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai.
2 tháng nay, tức kể từ cơn bão số 3, tình trạng sạt lở bờ sông Đạ Quay đoạn qua Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) ngày càng thêm nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Tấn, một hộ có nhà ở trong khu vực cho hay, cứ sau mỗi cơn lũ qua đi thì nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân bị dòng sông nuốt chửng. Điều đáng nói, tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, hiện đã có nhiều đoạn sông đã ăn sâu vào đất vườn, khiến hơn 30 nhà ở của người dân có nguy cơ bị đổ sụp xuống dòng sông.
“Tôi sống ở đây hơn 30 năm rồi, ngày xưa nước lũ chỉ ảnh hưởng sơ sơ thôi nhưng đợt này thì ảnh hưởng quá lớn, chỗ này hôm trước mưa y như là một biển nước. Giờ sạt lở Quốc lộ này từ chân mép nước đến đất đường là 4m. Tâm lý của gia đình tôi cũng như những gia đình ở đây là luôn bất an mỗi khi trời có mưa”, ông Tấn cho hay.
Cũng như ở Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’ri, sông Đạ Quay bị sạt lở nghiêm trọng tại nhiều khu vực khác. Ông Võ Tấn Thành, ở thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cho biết, khu vườn 4 sào của gia đình giờ chỉ còn 1ại một nửa, nếu sạt lở tiếp tục tái diễn thì ông sẽ không còn đất để sản xuất.
Nhiều điểm sạt lở vào các nhà dân.
Nhiều điểm sạt lở vào các nhà dân.
“Nhà thì chủ có mấy sào đây thôi, không có đất nhiều, mà cây trồng thì đã được năm thứ 6-7 rồi. Bây giờ bị sạt lở nhiều quá nhưng gia đình không biết tính sao nữa", ông Thành nói.
Trước tình trạng sạt lở sông Đạ Quay diễn ra ngày càng nghiêm trọng, chính quyền cơ sở các xã, thị trấn nơi đây đã cắm biển cảnh báo để người dân không đi lại trong khu vực nguy hiểm vào mùa mưa, đồng thời kiến nghị các cơ quan cấp trên sớm triển khai công tác khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, do có quá nhiều điểm sạt lở nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, không thể một sớm một chiều mà cần có một khoảng thời gian rất dài.
“Chúng tôi đã cảnh báo cho người dân tại các điểm sạt lở. Đối với chân cầu Đạm Rê thì Cục đường bộ đang xử lý rọ đá để khắc phục ban đầu. Còn các điểm sạt lở tại tổ dân phố 6, tổ dân phố 1 thì chưa tiến hành khắc phục”, ông Tuấn cho biết.
Giáp ranh với huyện Đạ Huoai là huyện Đạ Tẻh cũng rơi vào cảnh tương tự. Ngoài nhiều diện tích canh tác hoa màu của người dân bị mất đi, nhiều đoạn đường giao thông ở dọc hai bên bờ sông Đạ Quay cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Theo ông Lê Mậu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, nguyên nhân sạt lở do thành phần cấu tạo của đất trong khu vực này rất yếu, cộng với mưa lớn kéo dài, lũ nước sông Đạ Quay dâng cao và chảy xiết nên gây xói mòn và sạt lở trên diện rộng. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, đồng thời nâng cao mức cảnh giác, sẵn sàng triển khai lực lượng giúp dân di dời đến nơi ở an toàn.
“UBND huyện đã ban hành phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai. Trong đó lưu ý nhất là cảnh báo các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ quét và úng ngập cục bộ để người dân có sự chủ động, để khi có tình huống xảy ra thì tiến hành di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, ngoài việc tích cực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, các cơ quan chức năng đang phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương khảo sát lưu lượng dòng chảy, đánh giá nguy cơ và mức độ ảnh hưởng của việc sạt lở đất trên sông Đạ Quay để trên cơ sở đó làm tốt công tác cảnh báo, dự phòng nhằm đảm bảo an toàn và đời sống cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, các phương án nắn dòng, khơi thông dòng chảy, xây dựng các bờ kè để hạn chế tình trạng sạt lở đất cũng cần được tính đến để khắc phục sạt lở về lâu dài.
Quang Sáng/VOV - Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.