Người “chinh phục” đất hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một vùng đất cằn cỗi nhưng với sự cần mẫn, lao động không kể ngày đêm, gia đình ông Đinh Khắc Mậm-thôn Hưng Phú, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa đã trở thành triệu phú.

Nhìn cơ ngơi của ông Mậm hiện giờ, ít ai biết rằng trước đây có lúc tưởng chừng ông đã phải “đầu hàng” trong cuộc chiến với đất. Nhưng chẳng bao lâu, mảnh đất cằn cỗi dưới bàn tay ông đã trở thành vùng đất màu mỡ, mang lại thu nhập cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Đánh vật với vùng đất hoang

Sinh ra ở vùng quê Thái Bình, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 13 tuổi, đứa trẻ tên Mậm phải sống nương tựa vào gia đình người bác. Năm 1970, chàng trai 23 tuổi Đinh Khắc Mậm lập gia đình, những tưởng “an cư lạc nghiệp”, nhưng cuộc sống trước đây vốn khó giờ càng trở nên khó hơn. Mặc dù làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối nhưng cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo bám.

 

Ảnh: Minh Triều
Ảnh: Minh Triều

Năm 1975, ông vào quân ngũ theo lời kêu gọi tổng động viên, để lại người vợ ở nhà tự bươn chải cùng đứa con gái 5 tuổi và một đứa còn chưa chào đời. Năm 1980, ông xuất ngũ, nhưng đồng lương cán bộ thủy lợi xã lúc bấy giờ vẫn không nuôi nổi 4 miệng ăn, ông quyết định đưa cả gia đình đi kinh tế mới tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa.

Ban đầu gia đình ông được chia một mảnh đất để làm nhà, sau đó khai hoang đến đâu thì trồng lúa đến đấy, chủ yếu là làm sao có gạo để ăn, để sống qua ngày. Vợ chồng ông làm lụng vất vả đến nỗi không phân biệt được đâu là ngày, đâu là đêm. “Nhiều lúc gia đình còn không có gạo ăn, nhìn các con mình phải ăn độn mì thái lát mà xót xa, mà rơi cả nước mắt”- ông Mậm bồi hồi chia sẻ.

Chính vì điều này mà ông càng quyết tâm hơn để vượt qua đói nghèo. Để có cái ăn, ông phải tranh thủ đi chợ sớm mua cá khô, bột ngọt tìm đến các buôn làng đổi lấy bắp, mì, lúa gạo. Mất hơn 4 năm trời ròng rã gia đình ông mới thôi không nghĩ đến việc thiếu ăn. Ngoài trồng lúa, ông bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng diện tích trồng trọt bằng cách thử trồng mía, cao su, bời lời, nhưng… liên tiếp thất bại vì không phù hợp.

Chán nản đến cùng cực, ông quyết định quay lại với cây mì, cây bắp. Nhờ chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, cơ giới hóa sản xuất và biết áp dụng khoa học kỹ thuật, ông đã khiến đất hoang phải phục tùng, có thời điểm diện tích trồng trọt của gia đình ông lên đến trên 10 ha. Sự lao động cần cù, những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp gia đình ông thoát nghèo, nhà cửa khang trang, mua sắm được máy cày, máy xới. Từ năm 1997, được sự tín nhiệm của người dân trong vùng, từ một anh cán bộ thủy lợi xã Chư Drăng, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã cho đến nay.

Ông Chủ tịch “tề gia, trị quốc”

Đến thời điểm hiện tại, khi đã đến tuổi chuẩn bị về hưu, con cái đều đã lập gia đình và có cuộc sống no đủ, những tưởng ông sẽ an nhàn hưởng thụ ngày tháng tuổi già bên con cháu. Nhưng với ông, lao động là một niềm vui sống. Sau khi chia lại một phần đất cho các con sản xuất, ông còn lại 4 ha trồng mì, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 40 tấn mì khô, 4 ha trồng bắp cũng thu 17-18 tấn/năm, mỗi năm cho thu nhập gần 250 triệu đồng.

Vai trò mới là Chủ tịch Hội Nông dân cũng buộc ông phải sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hoàn thành phần việc đảm trách ở xã vừa phát triển kinh tế gia đình. Cũng chính trên cương vị mới này, ông Mậm lại có điều kiện được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tham quan các mô hình kinh tế giỏi ở các địa phương khác, được tập huấn các kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây trồng, vật nuôi. “Lâu nay bà con mình trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu kinh nghiệm truyền nhau, không chịu áp dụng khoa học kỹ thuật.

Vì vậy, tôi lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm, dẫn chứng bằng kinh tế gia đình của mình rồi mới vận động, thuyết phục bà con và các hội viên làm theo”-ông Mậm chia sẻ.

Tuy không hỗ trợ bà con bằng vật chất, nhưng bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt lại những kiến thức đã tập huấn, những mô hình kinh tế mới nên ngày càng có nhiều nông dân tham gia vào Hội, tự nguyện học và làm theo. Từ 100 hội viên, đến nay xã Chư Drăng đã có đến 11 chi hội Nông dân với 680 hội viên, trong đó có đến 515 hội viên là người Jrai. Ngày càng có nhiều hội viên Hội Nông dân sản xuất giỏi như: ông Nguyễn Văn Thực, thôn Mê Linh; ông Vũ Văn Diện, Bùi Văn Vương thôn Hưng Phú; Ama Ngui ở buôn H’Liên… với thu nhập mỗi năm đều trên 200 triệu đồng.

Chính vì thế, nhiều năm liền Hội Nông dân xã Chư Drăng được xếp loại vững mạnh, bản thân ông cũng được Hội Nông dân tỉnh, huyện tặng nhiều giấy khen. “Ông Mậm có kiến thức, cộng với kinh nghiệm, lại biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng dẫn bà con từ thôn đến xã phát triển kinh tế. Nói được, làm được nên người ta nghe theo.

Vợ chồng ông này già rồi nhưng vẫn còn “gân” lắm …”-đó là những lời nhận xét rất chân tình của ông Nay Pek-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa-khi nói về ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Drăng Đinh Khắc Mậm.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm