Người biết vượt khó làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm gần đây, mô hình trồng cà phê ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã phát triển mạnh, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân. Chị Phạm Thị Hoa Huệ là một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào trồng cà phê trên vùng đất này.

Chị Huệ sinh năm 1968 tại một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Bình. Năm 1987, chị trúng tuyển vào ngành quản lý kinh tế của Trường Trung cấp Nghề Kon Tum và quyết tâm học thật tốt những mong sau này có một nghề nghiệp ổn định để thoát khỏi đói nghèo. Năm 1992, ra trường, chị xin vào làm nhân viên cho một công ty vật tư phân bón ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và gặp anh Phạm Văn Chinh, hai người nên duyên chồng vợ rồi cùng nhau đến thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai để lập nghiệp.
 

Hàng ngày, chị vẫn chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Lương Tuyết
Hàng ngày, chị vẫn chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Lương Tuyết

Chân ướt chân ráo đến với mảnh đất bazan đầy nắng và gió, không nghề nghiệp lại có ít vốn nên đôi vợ chồng trẻ chỉ mua được 1 ha đất để dựng nhà và trồng cà phê.

Thời gian đầu, để kiếm thu nhập cho gia đình chị Huệ xin vào dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học làng Ó, còn anh Chinh vào làm công nhân ở Nông trường Cà phê Ia Sao 2. Những lúc rỗi việc hai vợ chồng lại tất bật với vườn cà phê nhỏ của mình. Tuy nhiên, vì tự mày mò chăm sóc nên dù cần cù đêm ngày vườn cà phê cũng không cho thu hoạch như ý muốn. Cuộc sống lại càng trở nên khó khăn khi chị sinh đứa con đầu lòng. Con mới được 1 tháng tuổi, chị lại cùng chồng chăm sóc vườn cà phê. Chịu khó là thế nhưng cái nghèo vẫn cứ bám lấy gia đình chị vậy mà chưa bao giờ hai vợ chồng có ý định bỏ cuộc.

Chị Huệ chia sẻ: “Kiên trì bám đất làm ăn nhưng cuộc sống khó khăn cũng không mấy thay đổi, năm 2003 tôi đành nghỉ dạy học theo chồng vào làm công nhân trong Nông trường Cà phê Ia Sao 2. Vừa lao động miệt mài để hoàn thành phần việc Nông trường giao vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để về chăm sóc cà phê vườn nhà. Thời điểm năm 2004-2005, tại địa phương nhiều gia đình đã bỏ cuộc vì trồng cà phê lỗ vốn, vậy mà vợ chồng tôi vẫn kiên trì thử sức. Và quả thật, đất đã không phụ lòng người. Cà phê liên tục cho thu hoạch năng suất cao nên vợ chồng đã dành dụm được ít vốn tiếp tục đầu tư. Chúng tôi mua thêm hơn 4 ha cà phê bỏ hoang của những người dân trong vùng và khai hoang hơn 1 ha đất mở rộng diện tích canh tác. Để tiết kiệm chi phí, gia đình cũng tự ươm giống cho vườn cà phê của gia đình. Năm 2006, chúng tôi vay vốn ngân hàng để kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu. Hàng năm, trừ mọi chi phí còn dư gần 100 triệu đồng”.
 

Thành quả của gia đình chị sau 20 năm chí thú làm ăn. Ảnh: Lương Tuyết
Thành quả của gia đình chị sau 20 năm chí thú làm ăn. Ảnh: Lương Tuyết

Sau 20 năm chí thú làm ăn, đến nay gia đình chị đã có hơn 7 ha cà phê, một cơ ngơi rộng rãi với đầy đủ tiện nghi, 1 xe ô tô tải và 1 chiếc Camry. Khi cuộc sống đã ổn định, gia đình chị còn giúp nhiều người dân trong xã có được công ăn việc làm. Chị bày tỏ: “Từng sống trong thời điểm kinh tế khó khăn, thiếu việc làm nên tôi rất hiểu và luôn muốn giúp đỡ bà con khi mình có khả năng”. Chị đóng góp để xây dựng những công trình cộng đồng trong thôn và thường là Mạnh Thường Quân cho những phong trào thể dục thể thao của xã. Với sự tin yêu và tín nhiệm của người dân trong xã, năm 2008, chị vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và hiện nay, chị đang giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn kiêm Trưởng Ban Nữ công Đội 1 của Công ty Cà phê Ia Sao 2. Gia đình chị cũng liên tục được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện”.

Lương Tuyết-Thanh Huyền

Có thể bạn quan tâm