Chúng tôi rất ấn tượng khi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Phúc (55 tuổi, trú tổ 54, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) bởi từ trong nhà ra ngoài ngõ trưng bày nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre, lồ ô, giang... rất đa dạng và độc đáo. Đặc biệt, trong phòng khách trưng bày gần kín các tác phẩm nghệ thuật trông như một vườn tượng cổ tích giữa đời thường.
Anh Nguyễn Văn Phúc đang chế tác các tác phẩm thủ công mỹ nghệ. |
Vừa xử lý một tác phẩm tinh xảo, anh Phúc cho hay, anh nguyên sinh sống với nghề xây dựng, nhưng cách đây 4 năm, lúc "nghề nhàn" anh mày mò, tỉ mẩn say mê chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu là tre, lồ ô, giang, gỗ... để cho ra gần 50 loại hình sản phẩm với hàng trăm tác phẩm độc đáo như các bộ "cặp chim công" hoàn toàn bằng tre, trúc với những gốc tre, trối tre uốn lượn có cánh như "rồng bay phượng múa" hoặc các vật dụng trang trí mỹ thuật như: đèn chùm, chuông gió, cối quay nước, đua thuyền, nhà rường... Bên cạnh đó, anh Phúc còn chế tác chiếc xe đạp, nam, nữ siêu nhỏ, xích lô, xe lôi, cối xay lúa, cối đá... trông rất thanh nhã nhưng không kém phần chắc chắn. Có thể thấy, phần lớn các tác phẩm của anh Phúc tạo ra thể hiện nét văn hóa đặc sắc trông như một bảo tàng thu nhỏ về làng quê xứ Quảng xưa.
Anh Phúc cũng chế tác dòng tranh thư pháp khá độc đáo với những câu thơ mang tính giáo dục cao với "font" chữ cách điệu bằng cách cưa nghiêng những ống lồ ô với hình tượng "thư pháp 3D" mỹ thuật như các câu: "Trời thêm ngày tháng người thêm tuổi / Xuôi khắp non sông phúc khắp nhà"; "Dạy con đọc sách thánh hiền/ Còn hơn để lại bạc tiền đầy rương"...
Anh Phúc cho hay, các tác phẩm chỉ hoàn thiện trong một ngày hoặc hơn có giá từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng như chuông gió, mâm ngũ quả, cối xay lúa, cối xay bột, xích lô, xe lôi, xe đạp, thuyền đua, đèn chùm... Các tác phẩm chỉ hoàn thiện trong 3 ngày hoặc hơn có giá từ 300- 500.000 đồng như: chim công, thư pháp, cối quay nước... Các tác phẩm hoàn thiện từ 5-15 ngày có giá từ 1.000.000 đồng trở lên như: nhà cảnh, nhà rường xứ Quảng, trang thờ ông Địa...
Tranh "thư pháp 3D". |
"Nguyên liệu dùng để chế tác các loại hàng là các loại tre, nứa, lồ ô, giang từ vùng cao H. Nam Giang (Quảng Nam) để khô tự nhiên khoảng 1 năm, sau đó mới làm nhằm chống côn trùng ăn cũng như nứt, bể làm hư hại sản phẩm. Làm tranh ghép bằng tre, trúc phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng khó nhất vẫn là khâu tạo hình. Trước hết phải vẽ hình trên nguyên liệu rồi cưa, cắt, đục, gọt, giũa, mài, dán... Do sử dụng màu tự nhiên của các họ dòng tre nên các bức tranh luôn tươi tắn, sinh động. "Trong trong đại dịch Covid-19, tôi ở nhà túc tắc làm và cũng bán được một số tác phẩm. Tuy số tiền chưa lớn lắm nhưng đó là niềm vui và hạnh phúc nhất của tôi. Chức "nghệ nhân thời Covid" này là do bà con trong tổ "phong" cho tôi bởi trong thời gian 2 lần diễn ra dịch Covid-19 phức tạp, tôi ở nhà nên có thời gian say mê, miệt mài "sáng tác"...", anh Phúc tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Khả (50 tuổi, vợ anh Phúc) cho hay, anh Phúc "tay cưa, tay đục, hì hục suốt ngày" quên cả cơm trưa. "Nếu so với ngày công, với giá bán "hữu nghị" đó ảnh chỉ "lấy công làm lời" là chính. Hầu như các vật dụng trong gia đình chúng tôi đều do anh chế tác như lọ hoa, lọ đựng hương, đèn chùm, đèn thờ, đèn ngủ, chuông gió, màng trúc... nên rất thân thiện với môi trường", chị Khả nói.
"Những tác phẩm thủ công mỹ nghệ này hy vọng tương lai không xa sẽ góp phần làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch của thành phố biển Đà Nẵng. Bởi vậy, chúng tôi rất mong sớm hết dịch Covid, xã hội trở lại trạng thái bình thường để chúng tôi bán cho du khách để có kinh phí mà tiếp tục sáng tác...", chị Khả tâm sự.
Theo TIÊN SA (cadn)