Ngày 27-9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo ngân hàng trung ương của các nước đang phải chật vật ngăn chặn tình trạng giảm phát và các chính phủ cần phải chi tiêu để hỗ trợ các ngân hàng hoàn thành mục tiêu này.
(Nguồn: caracaschronicles) |
Trong đánh giá mới về tình hình kinh tế toàn cầu, IMF cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát, tức là lạm phát thấp hoặc ngày càng sụt giảm, bắt nguồn từ sự tăng trưởng ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Nếu các ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn xu thế này, cùng với sự mất niềm tin của của các công ty và người dân, nền kinh tế của nhiều quốc gia có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát.
Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng giá cả nhìn chung sẽ sụt giảm và các công ty, cũng như người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và đầu tư, qua đó làm trì trệ nền kinh tế.
IMF lưu ý rằng tình trạng lạm phát thấp đang thách thức năng lực của các ngân hàng trung ương sử dụng chính sách tiền tệ để kích cầu vì lãi suất có lẽ đang được duy trì ở mức quá thấp, khiến các ngân hàng có rất ít điều kiện cắt giảm sâu hơn nữa.
Theo IMF, đó chính là tình trạng đang xảy ra với Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BoJ).
IMF kêu gọi các chính phủ sử dụng các chính sách về chi tiêu, cải cách và thu nhập để kích cầu kinh tế và nâng triển vọng lạm phát.
Lạm phát là hiện tượng kinh tế-xã hội, trong đó mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ không ngừng tăng lên. Nếu lạm phát quá cao hoặc quá thấp đều gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế.
Duy trì lạm phát ở mức vừa phải sẽ mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế như kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.
Theo TTXVN