Ngắm nguyệt thực đầu tiên năm 2023 tại Việt Nam vào tối nay như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tối nay và rạng sáng mai (5 - 6.5), Việt Nam xuất hiện hiện tượng nguyệt thực nửa tối kỳ thú, được nhiều người yêu thiên văn mong chờ. Làm sao để theo dõi trọn vẹn hiện tượng này?

Nguyệt thực nửa tối là gì?

Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) dự báo đêm 5.5, rạng sáng 6.5, người Việt Nam cùng nhiều địa điểm trên thế giới có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc bán phần, mặt trăng trong kỳ nguyệt thực nửa tối chỉ bị tối đi đôi chút, chứ không chuyển sang màu đỏ.

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), nguyệt thực nửa tối là hiện tượng mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất. Tương tự như nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thời điểm diễn ra hiện tượng này là lân cận ngày trăng tròn, khi mặt trăng nào phía bên kia của trái đất so với mặt trời và ba thiên thể gần như thẳng hàng.

Tương tự như nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thời điểm diễn ra hiện tượng nguyệt thực nửa tối là lân cận ngày trăng tròn. Ảnh: Huy Huynh

Tương tự như nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thời điểm diễn ra hiện tượng nguyệt thực nửa tối là lân cận ngày trăng tròn. Ảnh: Huy Huynh

Tuy nhiên, VACA thông tin khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, với nguyệt thực nửa tối mặt trăng chỉ đi vào vùng nửa tối của trái đất. Do đó, nó vẫn nhận được một lượng lớn ánh sáng mặt trời. Phần mặt trăng được bao phủ bởi bóng nửa tối có sự tối đi một chút và chuyển sang sắc đỏ nhạt. Tuy nhiên, ở những nơi khí quyển vốn ô nhiễm thì sự chuyển màu này có thể không rõ nét đến mức khó nhận ra.

“Vì lý do nêu trên, nguyệt thực nửa tối thường không được chú ý nhiều như với nguyệt thực một phần hoặc toàn phần. Mặc dù vậy, đây vẫn là một hiện tượng được những người yêu thích bầu trời quan tâm phần nào”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) nói thêm.

VACA thông tin thêm đêm 5.5, mặt trăng sẽ đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ mặt trời so với mọi khi. Hầu như toàn bộ khu vực châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương sẽ theo dõi được hiện tượng này.

Quan sát khi nào?

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, theo giờ Hà Nội, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 ngày 5.5, đạt cực đại với tỷ lệ đi vào vùng nửa tối là 96,4% lúc 00 giờ 23 phút ngày 6.5 và kết thúc lúc 2 giờ 31 phút rạng sáng cùng ngày (Các địa điểm khác ở Việt Nam có thời gian tương tự với độ chênh không đáng kể).

“Thời điểm diễn ra vào lân cận nửa đêm, là lúc mặt trăng ở rất cao trên bầu trời, khiến cho việc quan sát rất thuận lợi nếu thời tiết cho phép. Chỉ cần đủ ít mây để bạn nhìn thấy rõ mặt trăng, bạn sẽ thấy nó chuyển sang màu đỏ nhạt”, ông Sơn hướng dẫn.

Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 ngày 5.5, đạt cực đại với tỷ lệ đi vào vùng nửa tối là 96,4%. Ảnh: Huy Huynh

Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22 giờ 14 ngày 5.5, đạt cực đại với tỷ lệ đi vào vùng nửa tối là 96,4%. Ảnh: Huy Huynh

Theo chuyên gia, trên thực tế, ở giai đoạn đầu, chỉ có một phần rất nhỏ của mặt trăng đi vào khu vực bóng nửa tối và bạn sẽ khó nhận ra hơn. Do đó khoảng thời gian mà bạn thấy rõ hiện tượng có thể phải tới gần 23 giờ. Ngay cả vào lúc cực đại, sắc đỏ của mặt trăng cũng không hề rõ nét như với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thậm chí có thể khó nhận ra nếu có ô nhiễm ánh sáng hoặc bụi ở nơi bạn quan sát.

Hiển nhiên, đây vẫn là hiện tượng thú vị với những ai yêu thích các hiện tượng thiên văn. Vào tháng 11 năm ngoái (2022), người yêu thiên văn tại nhiều nơi ở Việt Nam đã quan sát được nguyệt thực toàn phần và vào rạng sáng 29.10 năm nay bạn cũng sẽ có cơ hội theo dõi nguyệt thực một phần với độ che phủ tương đối nhỏ.

Nguyệt thực nửa tối có thể quan sát bằng mắt thường. Ảnh: Huy Huynh

Nguyệt thực nửa tối có thể quan sát bằng mắt thường. Ảnh: Huy Huynh

Theo Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), để quan sát nguyệt thực, bạn không cần bất cứ dụng cụ nào để bảo vệ mắt mà chỉ cần một bầu trời quang mây và một vị trí ít ô nhiễm ánh sáng.

“Tất nhiên, một chiếc kính thiên văn, ống nhòm hay đơn giản là một máy ảnh có zoom quang học tương đối lớn sẽ giúp bạn có được cái nhìn hấp dẫn hơn rất nhiều”, ông Sơn cho biết.

Có thể bạn quan tâm