(GLO)- Dù năm nay ông Huỳnh Tấn Thập-Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong tỉnh Gia Lai tròn 83 tuổi nhưng hàng ngày ngoài công việc, ông còn có một thói quen là viết nhật ký về những việc làm được theo lời Bác dạy. Khi lật từng trang nhật ký, tôi thật sự ngưỡng mộ cách làm việc của một người đảng viên-63 tuổi Đảng này…
“Cán bộ nói phải đi đôi với làm”
Phương châm ấy chính là động lực để ông Huỳnh Tấn Thập trọn vẹn cuộc đời phấn đấu, trở thành người cán bộ suốt đời tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong một quãng thời gian dài, từ làm Chỉ huy trưởng các công trình xây dựng tỉnh Quảng Ninh (1959-1969), đến năm 1970, ông được phân công đi B-về Gia Lai biên chế vào Ban Binh vận, rồi giữ chức Phó Quản đốc trại tù binh; sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về làm lãnh đạo Sở Xây dựng Gia Lai, năm 1989 thì về hưu…; ngẫm lại những ngày tháng đã qua, ông Thập thấy làm cán bộ không dễ chút nào. “Nếu cứ nghĩ làm cán bộ để có “quyền” và “tiền” thì người dân chẳng bao giờ biết mình, dân xa mình, mình làm cán bộ làm chi”- ông Huỳnh Tấn Thập trăn trở.
Ông Huỳnh Tấn Thập ghi chép việc đã làm được vào sổ nhật ký. Ảnh: Đ.Y |
Với cách nghĩ như vậy, ông luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, dù ở cương vị nào. Thậm chí ngay cả khi về hưu, ông được nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ: Khi thì đảm nhiệm giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Phường Hoa Lư, rồi đến Bí thư Đảng ủy phường Tây Sơn. Bây giờ, ở tuổi 83 ông vẫn là người cán bộ tận tụy, vừa là Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong, Bí thư chi bộ tổ dân phố 4 vừa kiêm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của tổ, phường Hoa Lư (TP. Pleiku). Ông chia sẻ: “Tôi được người dân tin tưởng giao nhiệm vụ mà không hoàn thành tốt thì lòng mình như có điều gì lừa dối lương tâm, lừa dối dân”.
Học Bác Hồ từ việc làm nhỏ nhất
Cho đến nay dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ở cương vị nào ông cũng là người “cầm trịch”. Ấy là sự yêu quý và tin tưởng rất mực của người dân dành cho ông. Nhưng để làm được điều đó và cho đến tận bây giờ khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đi vào chiều sâu, ông lại nghĩ, sống và làm việc theo tấm gương Bác Hồ với ông là việc phải học tập suốt đời.
Học và làm theo gương Bác, ông Huỳnh Tấn Thập có thói quen là mỗi một việc làm cụ thể hàng ngày đều ghi vào sổ tay. Ông nghĩ: “Người giỏi vận động, tuyên truyền để dân hiểu và tin mình thì phải hiểu cặn kẽ, phải viết ra, phân tích ý nghĩa từng lời Bác dạy, rồi mới áp dụng vào thực tiễn, lúc đó mới dễ thành công”. Chính vì thế mà bắt đầu từ năm 2006, tất cả những việc ông làm, ông đều chép vào sổ nhật ký. Trong 6 cuốn sổ nhật ký ông Thập viết, trong đó có cuốn nhật ký đầu tiên-năm 2006 là tôi thích nhất.
Ông viết: Bác Hồ dạy: Trời có bốn mùa: Xuân-Hạ-Thu-Đông; đất có bốn phương: Đông-Tây-Nam-Bắc; người có bốn đức: Cần-Kiệm-Liêm-Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người. Còn trong phương châm xử thế-ông nhớ mãi lời Bác Hồ dạy: Suy nghĩ trước khi nói; cương quyết khi hành động; cẩn thận khi cầm bút. Còn trong ba xây-ba chống, ông học được lời dạy của Bác Hồ là luôn làm việc trên tinh thần tập thể, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, quan tâm đến đời sống quần chúng, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Còn về ba chống thì phải chống tư tưởng tiêu cực, hữu khuynh cá nhân chủ nghĩa, công thần địa vị tham ô; chống quan liêu, mệnh lệnh, chống chia rẽ bè phái…
Từng lời, từng chữ trong những cuốn sổ nhật ký ông viết, tưởng như hết đỗi bình thường nhưng khi đọc lên, ngẫm nghĩ mới hiểu hết được giá trị của nó. Nhờ thế, dù năm nay ông ở tuổi 83 nhưng vẫn tinh anh, thông thái. Ông kể rành rẽ từng con số: Tổ dân phố nơi ông đang sinh sống và làm Bí thư chi bộ có 148 hộ, với 580 nhân khẩu. Trong suốt nhiều năm qua, tổ dân phố 14 không có hiện tượng xảy ra tệ nạn xã hội. Toàn tổ dân phố chỉ còn một hộ nghèo nhưng đây là hộ nghèo kinh niên, vì vợ đau ốm thường xuyên, chồng chạy xe ba gác, hai con thì một con bị cụt tay, một con còn đi học.
100% đảng viên trong tổ luôn đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng viên yếu kém, cán bộ các đoàn thể đều giữ vững lao động tiên tiến xuất sắc. Trong 148 hộ gia đình, ngày lễ, Tết năm nào ông cũng đến từng nhà. Mỗi nhà ông đều hỏi han chia sẻ kinh nghiệm về cách sống, làm ăn. Nên đi đến đâu ông cũng được ân cần chào đón, được người dân tin tưởng giãi bày những nỗi niềm riêng, những kế hoạch làm ăn của mỗi gia đình.
Cuối câu chuyện ông kể, cứ vào đầu mỗi năm mới, ông lại viết dòng đầu cho cuốn sổ nhật ký là tiếp tục tu dưỡng rèn luyện hàng ngày và làm những việc Bác Hồ đã dạy để giúp dân. Chính vì thế mà cuối đời con người luôn lấy chuyện “vác tù và” là lẽ sống cho riêng mình nên gia đình ông vẫn ở trong căn nhà lụp xụp, rách nát mà chưa có điều kiện để sửa lại. Ông Thập bảo, nhà cửa để con cái lo, cái lớn hơn đó là công tác xã hội, tôi sẽ cố gắng mỗi ngày làm một việc tốt cho đến hơi thở cuối cùng.
Đinh Yến