Mới có 97.000ha cao su đạt chứng chỉ bền vững, Việt Nam tăng tốc cấp nhãn hiệu "Cao su Việt Nam"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên, trong đó thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Trước những đòi hỏi của thị trường hiện ngành đang thúc đẩy phát triển cao su bền vững.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 70% tổng lượng xuất khẩu

Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên, trong đó thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc.

Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, năm 2020 diện tích cao su của cả Việt Nam đạt trên 932.000 ha, diện tích đến tuổi khai thác mủ đạt gần 729.000 ha, chiếm trên 78%.

Giống như một số ngành hàng nông – lâm nghiệp khác, động lực phát triển của ngành cao su của Việt Nam là dựa vào xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam năm 2021 kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên từ Việt Nam đạt gần 3,3 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su đạt 3,7 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 70% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xuất khẩu vào tất cả các thị trường.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Forest Trends, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ.

"Nhu cầu về cao su thiên nhiên bền vững đang hiện hữu tại Việt Nam", ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends nhấn mạnh và lấy ví dụ, thời gian qua, Công ty Yulex – một công ty toàn cầu hiện đang sử dụng cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững FSC đã thực hiện các chuyến khảo sát tới một số công ty cao su và các hộ tiểu điền để tìm hiểu khả năng thực hiện các liên kết nhằm thúc đẩy sản xuất cao su bền vững tại Việt Nam.

"Đại diện công ty Yulex đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về bao tiêu đầu ra sản phẩm và trả giá cao hơn giá thị trường đối với sản phẩm cao su thông thường nếu các đơn vị này có nguồn cung cao su thiên nhiên bền vững, đặc biệt là cao su có chứng chỉ FSC cho Yulex", ông Phúc nói.

 

Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên, trong đó thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng sơ chế mủ. Ảnh: CSDT.
Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên, trong đó thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng sơ chế mủ. Ảnh: CSDT.


Đẩy mạnh sản xuất cao su bền vững

Con số công bố của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam (VFCO) cho biết, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 97.300 ha diện tích cao su đã đạt chứng chỉ Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) - hệ thống đã được tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận.

Sản xuất cao su thiên nhiên bền vững trong tương lai là hướng đi tất yếu của Việt Nam. Tạo các sản phẩm cao su thiên nhiên bền vững là có cơ hội cho Việt Nam nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, sản xuất cao su thiên nhiên bền vững giúp cho việc đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong các khâu sản xuất.

Tuy nhiên, theo Forest Trends, con số diện tích cao su đạt chứng chỉ bền vững hiện còn rất hạn chế và đặc biệt Việt Nam chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC cho thấy một số hạn chế hiện nay của ngành.

Các hạn chế này bao gồm những lý do như nhiều công ty cao su chưa quan tâm thỏa đáng tới việc sản xuất cao su có chứng chỉ, do hạn chế về nguồn thông tin hoặc/do hiện chỉ ưu tiên trọng tâm vào các thị trường xuất khẩu chưa đòi hỏi các loại hình chứng chỉ (như Trung Quốc).

Bên cạnh đó, chuỗi cung hiện tại của ngành còn phức tạp, bao gồm sự pha trộn của các hợp phần đại điền và tiểu điền, của nguồn cung nội địa và nguồn cung nhập khẩu.

Bà Phan Trần Hồng Vân – Phó Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, trước những thách thức, yêu cầu của thị trường, trên cơ sở khung pháp luật của Việt Nam và kinh nghiệm của một số ngành hàng khác, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đề xuất Kế hoạch hành động vì phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam, khuyến khích các hội viên sớm xây dựng Chương trình phát triển bền vững theo điều kiện phù hợp.

Đồng thời, Hiệp hội hợp tác với một số tổ chức hỗ trợ xây dựng những tài liệu hướng dẫn quản lý và sản xuất cao su bền vững, giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội cho nhà đầu tư Việt Nam trồng cao su.

Ngoài ra, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam". Những sản phẩm được chứng nhận của Hiệp hội Cao su Việt Nam về các tiêu chí mà doanh nghiệp và sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu hiện nay của thị trường, bao gồm tính hợp pháp của doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, nguồn gốc của sản phẩm; đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế; có hiệu quả kinh tế, uy tín trong kinh doanh; thực thi trách nhiệm xã hội và môi trường nghiêm túc theo pháp luật quốc gia và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu "Cao su Việt Nam".

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước cần tạo khung pháp lý thúc đẩy và khuyến khích các mô hình quản lý rừng cao su bền vững, nông lâm kết hợp, bảo vệ môi trường và hướng đến đạt chứng nhận quốc gia hoặc quốc tế.

Tuyên truyền, vận động, các hộ hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su theo từng cụm để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thường xuyên tổ chức tập huấn cho các hộ dân, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất bền vững cho các hộ cao su tiểu điền.


https://danviet.vn/trung-quoc-dang-mua-den-70-loai-lam-san-nay-cua-viet-nam-ma-khong-yeu-cau-chung-chi-gi-20220620084813053.htm
 

Theo K.Nguyên (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.