Mẹo giải rượu ngày Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nước ép cà chua, nước ép cóc, nước chanh muối... là những loại thức uống có tác dụng tốt trong việc giải rượu, rất có lợi cho bạn. Trong những ngày đầu năm mới, việc nâng ly chúc mừng nhau là điều không tránh khỏi. Dưới đây là một số thức uống giúp bạn giải rượu nếu chẳng may quá chén trong những ngày Tết.

1. Nước mơ trần bì

 

 

Nếu nhà không có sẵn trần bì, bạn có thể thay bằng vỏ quất tươi hoặc một ít vỏ chanh. Rửa vỏ thật sạch trước khi đun.

- Nguyên liệu: 3 quả mơ chua hoặc mơ ngâm, một nhúm trần bì, 2 tách nước.

- Thực hiện: Quả mơ tách bỏ hạt, lấy thịt, dầm nát. Trần bì rửa sạch. Cho trần bì, quả mơ vào nồi với 2 tách nước, đun trên lửa nhỏ cho đến khi nước sắc lại còn một nửa. Cho người say dùng khi nước còn ấm để phát huy tác dụng.

2. Nước ép cà chua

Nếu thích uống ngọt, bạn có thể pha thêm 1-2 thìa cà phê đường, nước cà chua sẽ có độ ngọt vừa phải, rất ngon.

- Nguyên liệu: 2 quả cà chua, một ít muối, 1/2 tách nước lọc.

- Thực hiện: Cà chua rửa sạch, cho vào tủ lạnh giữ thật lạnh. Sau khi ép lấy nước, bạn không cần thêm đá viên, thức uống vẫn có độ lạnh, vừa dễ uống vừa không bị loãng. Cho cà chua vào máy ép hoa quả, ép lấy nước. Pha thêm 1/2 tách nước lọc và chút muối để giảm độ chua, khuấy đều.

3. Nước ép cóc

Cóc chứa nhiều vitamin C, giúp giải rượu rất hiệu quả.

- Nguyên liệu: 2 quả cóc, một ít muối, 1/2 tách nước lọc.

- Thực hiện: Cóc rửa sạch, gọt vỏ, cho vào tủ lạnh khoảng 20-30 phút để cóc thật lạnh. Cho cóc vào máy ép hoa quả, ép lấy nước. Pha thêm 1/2 tách nước lọc hoặc ít hơn nếu bạn muốn uống nguyên chất. Thêm chút muối để giảm độ chua, khuấy đều. Bạn cũng có thể ép cóc lấy nước rồi mới cho vào ngăn mát tủ lạnh.

4. Nước trà quất

 

 

Trà đậm là thức uống giúp giải rượu rất tốt.

- Nguyên liệu: Một nhúm trà xanh khô, 2-3 quả quất khô hoặc mứt quất, 1 quả quất tươi, 2 tách nước lọc.

- Thực hiện: Đun nóng 2 tách nước, cho trà và quất khô hoặc mứt quất vào đun trên lửa nhỏ đến khi cạn còn 2/3 lượng nước ban đầu. Bạn thấy nước trà sánh và đậm là được. Để nước trà hơi nguội, rót ra tách, vắt nước cốt quất tươi vào trước khi uống, dùng thìa khuấy đều.

5. Nước chanh muối

Vị chua và mùi thơm của tinh chất chanh sẽ giúp người say tỉnh táo, dễ chịu hơn.

- Nguyên liệu: 1 quả chanh, một chút muối, 1 thìa cà phê đường, 1 tách nước nóng.

- Thực hiện:Cắt đôi quả chanh, lấy một lát mỏng ở giữa, phần còn lại vắt lấy nước cốt, cho vào tách nước nóng. Thêm đường, chút muối và lát chanh vào tách, khuấy đều. Cho người say dùng nóng. Muối sẽ làm đằm vị chua, thức uống sẽ đậm đà hơn.

6. Nước đậu xanh

Đậu xanh tính mát, hạ nhiệt, thích hợp cho người say rượu.

- Nguyên liệu: 100g đậu xanh, 500 ml nước, một chút muối.

- Thực hiện: Vo đậu xanh vài lần cho sạch bụi. Cho đậu xanh vào nồi với 500ml nước, đun trên lửa nhỏ đến khi đậu nở mềm, vớt bọt. Thêm chút muối vào nồi nước đậu xanh, tắt bếp, để hơi nguội. Bạn có thể lọc lấy nước hoặc cho người say ăn luôn cả phần cái để giãi rượu.

7. Nước rau cần

Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.

- Nguyên liệu: 100g rau cần, một ít nước, một ít đường

- Thực hiện: Rau cần rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ.

8. Nước củ cải

- Nguyên liệu: 3 củ cải trắng, một ít đường

- Thực hiện: Củ cải trắng rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha thêm chút đường uống.

Có thể bạn quan tâm

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.