Tiền lì xì là một trong những lý do khiến những đứa trẻ mong chờ tết đến nhất. Tuy nhiên, quản lý tiền lì xì thế nào lại khiến không ít bố mẹ 'tâm tư'.
Lì xì đầu năm là một nét đẹp truyền thống của người Việt - Ảnh: D.N. |
Mỗi gia đình một hoàn cảnh, một điều kiện sống khác nhau. Số tiền lì xì theo đó cũng mang tính chất, giá trị khác nhau. Nhiều cha mẹ nghĩ tiền lì xì con có được là do cha mẹ "đầu tư" lì xì cho con nhà người khác nên họ có quyền "tịch thu".
Mẹ hứa "giữ giùm" nhưng... không trả
Năm nào cũng vậy, với lý do nuôi con đã rất tốn kém và "con nít không biết giữ tiền" hoặc "con cầm tiền nhiều không an toàn", chị K.Liên (45 tuổi) cương quyết phải giữ tiền lì xì của các con. Gia đình đông người, chị lại có bốn đứa con, tiền lì xì mỗi năm chị "thu vào" ngót nghét hai chục triệu.
"Con cứ nghĩ tiền lì xì là của chúng nhưng thực ra bố mẹ cũng phải lì xì cho con người ta ngần ấy, cũng chỉ là mừng qua mừng lại thôi. Hơn nữa con nít không cần giữ nhiều tiền, ăn uống, học hành, mua sắm… bố mẹ đã lo đủ đầy, giữ nhiều tiền chỉ làm con dễ sinh các tật hư" - chị Liên nói.
Nhưng đứa con lớn B.L (15 tuổi) của chị lại cho rằng các con là con của bố mẹ, bố mẹ phải nuôi con là đương nhiên. Còn tiền lì xì là của con, con có thể nhờ bố mẹ giữ giùm hoặc tự giữ để chi tiêu những lúc mình cần mà không phải lúc nào cũng xin.
"Mỗi lần con muốn mua quà tặng bạn đều phải xin tiền mẹ. Nhưng mẹ hay hỏi kiểu như con nói xạo để lấy tiền, như tặng bạn nào, tại sao tặng, bạn gái con hả, con có người yêu rồi sao… con thấy rất ức chế" - B.L tâm sự.
|
Cùng con lên kế hoạch quản lý tiền
Với suy nghĩ "dạy con có trách nhiệm với số tiền của mình có từ sớm sẽ giúp con phát triển được nhiều kỹ năng và cảm xúc hơn", chị Thu Hà (30 tuổi, TP.HCM) lên kế hoạch cụ thể cho các khoản tiền mừng của con từ khi con sinh ra.
"Khi con còn nhỏ, mẹ quản lý số tiền đó là tất nhiên. Khi con đã có trí khôn, biết tiền có giá trị trao đổi thì thường mẹ sẽ tổng kết lại sau tết, cộng dồn tiền lì xì và làm cho con một sổ tiết kiệm, cho con biết đây là một trong nhiều cách đầu tư sinh lợi cho con ở thời điểm hiện tại. Đến thời điểm cần dùng, như mua máy tính hoặc cây đàn cho con sẽ dùng tiền này" - chị Hà chia sẻ.
Cũng có năm, thay vì gom hết tiền làm sổ tiết kiệm, chị trích ra một phần đưa con đến những cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi để tặng quà cho những bạn kém may mắn.
"Từ khi con 3 tuổi, tôi đã dạy con rằng tiền có giá trị trao đổi, tiền có thể sinh lợi và cách tiết kiệm tiền. Khi con 5 tuổi, tôi bắt đầu cho con tham gia các chương trình thiện nguyện để con học được nhiều giá trị cuộc sống hơn" - chị Hà cho biết.
Trong khi đó chị Ngọc Hân (36 tuổi) lại dùng tiền lì xì sắm vàng để dành cho con. "Tiền đổi thành vàng cũng là cách tiết kiệm, lưu giữ, đầu tư mà con có thể thấy được, hiểu được ở tuổi lên 5", chị giải thích.
Còn với đứa con lớn 13 tuổi, chị cho con tự quản lý tiền lì xì dưới sự kiểm soát của mẹ. Con lên một bảng dự tính cần mua gì, chiếm khoảng bao nhiêu so với số tiền lì xì con có được...
"Qua đó, con học cách chi tiêu cũng như nhận thấy được số tiền con có chỉ là một phần rất rất nhỏ so với những gì ba mẹ đang cho con mỗi ngày, con biết trân quý và biết ơn bố mẹ hơn" - chị Hân cho biết.
(Luật sư Nguyễn Trọng Hào, công ty luật Nhân Bản) |
Diệu Nguyễn (TTO)